Kinh nghiệm : Những lưu ý chọn trường khi du học

Du học là cơ hội mở ra cuộc sống mới với vô vàn cơ hội cho các bạn sinh viên. Tuy nhiên, các bạn trẻ cần có sự nghiên cứu, chọn lựa kỹ càng khi quyết định mình sẽ học tại đâu trong những năm tháng ở nước ngoài nhằm đảm bảo có sự đầu tư hiệu quả.

Nhiều người ví von chuyện du học như “canh bạc đời người” bởi học gì, ở đâu có sức ảnh hưởng vô cùng lớn đến tương lai của bạn. May mắn là, có vô vàn lựa chọn về trường học cùng các thông tin bên lề cho sinh viên và tất cả những gì bạn cần làm là nghiên cứu, tham vấn ý kiến của những người có kinh nghiệm để tìm con đường hợp lý nhất cho mình.

Xem thêm : Kinh nghiệm - Du học ở đâu thì phù hợp?

Kinh nghiệm : Những lưu ý chọn trường khi du học
Cẩm nang du học- Những lưu ý chọn trường khi du học

Vị trí

Đây là yếu tố bạn nên cân nhắc đầu tiên mà bạn nên cân nhắc khi chọn trường du học. Nếu có điều kiện, đi đâu cũng không là vấn đề. Ngược lại, sinh viên sở hữu hầu bao eo hẹp nên cân nhắc đến những yếu tố như:
  • Giá cả, sinh hoạt phí đất nước bạn định đến
  • Quốc gia hoặc trường đó có cấp nhiều học bổng hay không?
  • Bạn chọn trường ở thành phố lớn hay vùng ngoại ô?
  • Liệu bạn có phải dùng thêm một ngoại ngữ khác khi tới nơi đó hay không?
Trên bản đồ du học hiện nay, những nơi được đánh giá có chất lượng giáo dục tốt nhưng chi phí sinh hoạt rẻ là Canada, Ireland, Pháp,… Tuy nhiên, điều kiện sống chỉ là một phần, chất lượng giáo dục mới là yếu tố quan trọng. Lời khuyên là đừng ham rẻ mà chọn những trường quá nhỏ, không mấy tiếng tăm. Bạn cần xác định nơi mình định tới có những đại học, cao đẳng nào, chất lượng ra sao, có nhiều cơ hội để tìm việc trong thời gian học và sau tốt nghiệp hay không trước khi quyết định đặt chân tới bất kỳ đâu.

Ngành học

Có những bạn trẻ may mắn biết rõ mục tiêu, ước mơ của bản thân và kiên định theo đuổi con đường mình đã chọn nhưng không ít người mãi vẫn “loay hoay” không biết mình phải đi đâu, làm gì.

Nếu chưa chắc chắn về ngành mình muốn theo đuổi trong những năm tháng “tìm con chữ” ở xứ người, trước hết bạn phải xác định thế mạnh và thiên hướng học tập của bản thân để tránh chọn sai ngành, khiến việc học vừa vất vả, vừa thiếu đam mê. Sau đó, bạn có thể tham khảo danh sách những ngành nghề có tỉ lệ việc làm lớn sau tốt nghiệp. Dưới đây là thống kê những ngành dễ kiếm việc nhất, theo tạp chí Forbes:

  • Khoa học máy tính (Computer Science): 68.7%

  • Kinh tế (Economics): 61.5%

  • Kế toán (Accounting): 61.2%

  • Kỹ thuật (Engineering): 59%

  • Quản trị kinh doanh (Business Administration): 54.3%

  • Xã hội học (Sociology): 42.5%

  • Toán học/ Thông kê (Mathematics/Statistics): 40.3%

  • Tâm lý học (Psychology): 39.2%

  • Chăm sóc sức khỏe (Healthcare): 37.8%

  • Sinh học (Biology): 35.2%

  • Quan hệ công chúng/Báo chí (Communications/Journalsim): 33.8%

  • Khoa học môi trường (Environmental Science): 30.5%

  • Biểu diễn và nghệ thuật thị giác (Visual & Performing Arts): 27.8%

Từ cơ hội việc làm của các ngành, hãy tìm hiểu xem ngôi trường bạn muốn nhập học và vùng đất bạn định tới có thế mạnh về những chương trình đó không và đưa ra những quyết định đúng đắn cho bản thân.

Học phí

Đây là vấn đề gây “đau đầu” nhất cho du học sinh, bởi ai cũng biết học tại nước ngoài đắt đỏ nhường nào. Học phí phụ thuộc vào giá cả nơi bạn đến cũng như tùy từng trường và chương trình học. Tuy nhiên, theo thống kê, các quốc gia có mức tiền học đắt đỏ nhất thế giới vẫn là Mỹ và Anh.

Dưới đây là bảng học phí của một số quốc gia, mang tính chất tham khảo cho sinh viên đang có ý định đi du học:

Quốc gia

Học phí trung bình

Mỹ

US$6,000 – 40,000

Anh

£4,000 – £21,000

Ireland

€ 9,000 – € 45,000

Úc

AU$9,000 – $18,000

Canada

C$2,000 – $16,000

Học bổng

Nếu không mạnh về tài chính thì học bổng là điều tối quan trọng, giúp trang trải chi phí đắt đỏ khi du học. Do đó, các bạn cần tìm hiểu kỹ về các nước, đại học và cao đẳng thường “mạnh tay” tặng học bổng cho sinh viên quốc tế.

Theo thống kê, những quốc gia cấp nhiều học bổng nhất là Úc, New Zealand, Anh, Phần Lan,… Biết được nơi nào trao nhiều học bổng sẽ giúp bạn xác định rõ bản thân nên chọn trường nào, qua đó có kế hoạch cụ thể để “chinh phục” hình thức hỗ trợ tài chính này và trở thành sinh viên chính thức.

Tuy nhiên, cần lưu ý rằng đạt học bổng không hề dễ, yếu tố cạnh tranh vô cùng cao nên các du học sinh cần tự lượng sức để tìm ra con đường phù hợp nhất.

Môi trường xung quanh

Du học không có nghĩa sinh viên chỉ quan tâm đến việc “dùi mài kinh sử” mà bàng quan với không gian xung quanh, bỏ qua cơ hội thích nghi với cuộc sống mới. Đây là những câu hỏi bạn nên tự đặt khi chọn trường:

  • Trường thuộc thành phố hay vùng ngoại ô?

  • Nơi mình học có thuận tiện cho giao thông, việc đi lại hay không?

  • Cơ sở vật chất có ổn định không?

  • Chi phí sinh hoạt thế nào?

Ngoài ra, yếu tố an toàn cũng là nét cần lưu ý, nhất là trong bối cảnh an ninh bất ổn đang gia tăng trên toàn thế giới. Nên chọn những vùng nhiều người bản địa, tránh những khu ngoại ô quá vắng vẻ hoặc nhiều người nhập cư vì tình trạng lộn xộn thường hay xảy ra ở các khu vực này.