Cảm nhận của sinh viên nước ngoài về Canada

Bài viết gốc :
https://old.trangtuyensinh.com/cam-nhan-cua-sinh-vien-nuoc-ngoai-ve-canada.html

Khảo sát gần đây dành cho sinh viên quốc tế về Canada có thể sẽ khiến bạn ngạc nhiên.[/i]


Năm 1916, Bill Boeing đến MIT để tìm thuê vị kỹ sư trưởng đầu tiên của mình. Ông đã chọn tuyển dụng Wong Tsoo, một thanh niên Trung Quốc di cư sang Anh năm 16 tuổi để học đại học trước khi vượt Đại Tây Dương để học cao học. Wong nhanh chóng bắt tay vào xây dựng chiếc máy bay đầu tiên thành công về mặt thương mại của Boeing, chiếc C-Model. Hãy thử tưởng tượng ngành công nghiệp hàng không có thể đã khác đi như thế nào nếu một trường đại học ở một nước khác – có thể là một trường của Canada – đã thu hút được Wong vào học. Ở thời điểm đó, cả Canada và Mỹ đã từng có các chính sách phân biệt chủng tộc chống lại người Trung Quốc, như luật Head Tax, nhưng nếu như Canada có chính sách phân biệt chủng tộc ít hơn Mỹ thì có lẽ những người xuất sắc như Wong ở thời điểm đó đã có thể chọn học ở trường McGill chăng?


Cảm nhận của sinh viên nước ngoài về Canada

Kể từ đó đến nay, chúng ta đã có những bước tiến triển đáng kể. Từ năm 2001 đến 2008, số lượng sinh viên quốc tế ở Canada tăng 4,3% mỗi năm; từ 2008 đến 2012, tỷ lệ tăng trưởng hàng năm đạt mức đáng kinh ngạc là 12,3%. Năm 2012 có 265.377 sinh viên (74% trong số đó theo học bậc sau trung học). Theo Project Atlas, hiện nay chúng ta thu hút 5% tổng số sinh viên quốc tế trên toàn thế giới, biến Canada trở thành điểm đến phổ biến thứ 7 cho sinh viên quốc tế sau Mỹ, Anh, Trung Quốc, Pháp, Đức và Úc.

Không phải tất cả những sinh viên đó đều trở thành các kỹ sư trưởng tương lai nhưng nhiều người trong số đó sẽ trở thành những công dân mẫu mực và là những đại sứ không chính thức. Không chỉ sinh viên Canada (thường là như vậy) sẽ được hưởng lợi từ các lớp học đa sắc tộc, mà cả nền kinh tế cũng tăng trưởng nhờ vào khoảng tiền 7,7 tỷ đô la mà sinh viên quốc tế chi hàng năm.


Nhưng sẽ ra sao nếu điều này đột ngột thay đổi? Tại một cuộc họp gần đây của Hội đồng hội nghị Canada (Conference Board of Canada) về tương lai của giáo dục và rèn luyện kỹ năng, một khán giả đã chỉ trích các quan chức phụ trách giáo dục sau trung học vì sự lệ thuộc quá nhiều vào tiền học phí của sinh viên quốc tế, đặc biệt là sinh viên Trung Quốc, vốn chiếm một phần ba tổng số của năm 2012.


Ông ta có lý do để lo lắng. Ở Úc, nơi có nhiều sinh viên quốc tế hơn Canada, một loạt các vụ vi phạm và trộm cắp của sinh viên Ấn Độ năm 2009 đã dẫn đến các cuộc biểu tình và gây ầm ĩ trên báo chí Ấn Độ. Một cuộc điều tra của chính phủ Ấn Độ đã kết luận 23 trong số 152 cuộc tấn công có liên quan đến phân biệt chủng tộc. Sau đó, số lượng sinh viên Ấn Độ du học ở Úc đã giảm mạnh.


Bài học rút ra: điều quan trọng là phải đối xử thật tốt với sinh viên quốc tế. Vụ giáo dục quốc tế Canada (The Canadian Bureau for International Education), một tổ chức nghiên cứu và vận động, là một trong số ít các tổ chức thật sự lấy ý kiến xem sinh viên quốc tế đang sinh sống và học tập ra sao. Họ khảo sát 1.509 sinh viên quốc tế đến từ 25 trường đại học và cao đẳng và in kết quả khảo sát trong báo cáo hàng năm dành cho hội viên của mình; kết quả báo cáo này cũng được chia sẻ với Maclean’s hôm thứ ba.


Đa phần kết quả rất đáng khích lệ. Khi được hỏi tại sao lại chọn Canada, 77% sinh viên quốc tế đều đồng ý rằng đất nước Canada “khoan dung và không phân biệt đối xử” là yếu tố rất quan trọng hoặc cốt yếu đối với lựa chọn của họ và 82% đồng ý rằng, trên thực tế, một khi đã đến Canada thì quả đúng là Canada rất khoan dung và hiếu khách.


Ngoài ra, 76% cho rằng người Canada “thân thiện một khi bạn đã hiểu họ”.


Ấn tượng hơn cả là 91% sinh viên đồng ý rằng họ thấy hài lòng hoặc rất hài lòng với việc học tập ở Canada và 96% sẽ chắc chắn hoặc có thể sẽ giới thiệu cho người khác chọn Canada để du học.


Báo cáo cũng xem xét kỹ hơn về vấn đề phân biệt đối xử thông qua các câu hỏi khảo sát và phỏng vấn. Trong cuộc khảo sát, 15% sinh viên cho biết có tình trạng phân biệt sắc tộc từ các giáo sư, 17% từ nhân viên nhà trường, 23% từ các sinh viên khác và 25% từ cộng đồng. Tỷ lệ phân biệt đối xử về văn hóa và tôn giáo đến từ giáo sư là 13%, từ nhân viên nhà trường là 15%, từ các sinh viên khác là 21% và từ cộng đồng là 21%.


Mặc dù tỷ lệ có vẻ cao nhưng rõ ràng ít nhất là có một số điều sinh viên cho là phân biệt đối xử thật ra là không phải, tùy thuộc vào định nghĩa của sinh viên. Có sinh viên than phiền rằng sinh viên quốc tế đóng học phí cao hơn. Có sinh viên cho biết có “nhân viên Trung tâm sinh viên quốc tế lúc nào cũng thô lỗ”. Có người cho rằng chương trình học quá “thiên về văn hóa Canada”.


Trong khi một trường hợp phân biệt đối xử là quá nhiều, thì chỉ có một vài ví dụ cụ thể trong báo cáo trên, bao gồm việc một nhân viên nhà trường và một giáo sư đã “cho rằng một sinh viên là người Công giáo, dựa trên quốc gia nơi anh ta sinh ra, và đưa ra các giả định về phong cách học tập của sinh viên đó dựa trên các chuẩn mực về tôn giáo và văn hóa”, và một sinh viên đã bị phân biệt chủng tộc “chủ yếu từ những người say rượu trong quán bar”.


Cũng có vài trường hợp được ghi nhận trên các phương tiện truyền thông trong mấy tháng vừa qua. Một giáo sư của trường Đại học McGill hồi năm ngoái đã bảo một sinh viên Ai Cập rằng ông muốn cậu ta “chết đi”. Các sinh viên đã xông vào một lớp học hồi đầu tháng này để phản đối “vị giáo sư phân biệt đối xử”. Một hội đồng Thượng nghị viện đã kết luận rằng hành vi của ông ta là sự quấy rối chứ không phải kỳ thị. Một vụ việc khác là vụ tấn công phân biệt chủng tộc gần đây bên ngoài trường học đối với các sinh viên Hồi giáo của trường đại học Queen’s (Queen’s University).


Nhưng hãy so sánh tất cả các số liệu trên với cuộc khảo sát năm 2012 trên hơn 6.200 sinh viên quốc tế ở châu Âu do SVR Research Unit thực hiện. Vấn đề kỳ thị – bao gồm bạo lực – được ghi nhận bởi 40% sinh viên quốc tế ở Pháp, 39% ở Đức, 35% ở Thụy Điển, 30% ở Hà Lan và 27% ở Anh.


So sánh các kết quả với nhau, có thể nói chúng ta đang tiếp đón sinh viên quốc tế rất tốt so với các nước khác. Vẫn còn nhiều thứ cần phải làm nhưng, hiện tại, chúng ta đang có vị thế tốt trong cuộc chiến thu hút nhân tài.


Theo website LSQ Canada



ĐĂNG KÝ ONLINE TRỰC TIẾP TẠI ĐÂY



(Chúng tôi sẽ phản hồi ngay sau khi nhận được đăng ký của bạn)


Để được tư vấn cụ thể hơn về chương trình du học Canada và các thủ tục, quy định về visa du học, quý vị phụ huynh và các bạn học sinh vui lòng liên hệ:



Hà Nội: P.1002, Tầng 10 – Tòa nhà trung tâm đào tạo công nghệ thông tin và truyền thông – Số 1 Hoàng Đạo Thúy, Q. Cầu Giấy, Hà Nội


Điện thoại: 0914 222 131 | Hotline: 0914 222 131 | Email: [email protected]


Đà Nẵng: 14 Nguyễn Du, Q.Hải Châu, Đà Nẵng


Điện thoại: 0511. 388 7997 | Email:


Hồ Chí Minh: Lầu 2, 68b Nguyễn Văn Trỗi, P8, Q.Phú Nhuận TP.HCM.


Điện thoại: | Hotline: 0908 251 297 | Email: [email protected]


Website: www.trangtuyensinh.com