Du học sinh làm thêm: Được và mất những gì?

Làm thêm trong thòi gian du học đã không còn là chuyện hiếm. Tuy nhiên, ngoài giúp sinh viên trang trải một phần cuộc sống, các công việc bán thời gian đôi khi cũng đem lại vô số phiền hà.

Du học sinh làm thêm: Được và mất những gì?

Xem thêm :Cẩm nang hướng dẫn tìm việc làm thêm cho du học sinh

Khi du học, bên cạnh việc chọn trường, nhiều bạn trẻ còn quan tâm tới việc nơi mình đến có tạo điều kiện cho sinh viên làm thêm hay không, chứng tỏ nhu cầu việc làm trong cộng đồng du học sinh vô cùng đa dạng. Dù vậy, cái gì cũng có hai mặt của nó; những công việc bán thời gian có thể đem lại lợi ích trước mắt nhưng cũng kéo theo nhiều phiền toái khi bạn phải cân bằng giữa chuyện làm và việc học.

Các bạn đã bao giờ cân nhắc chuyện làm thêm khiến ta được và mất những gì hay chưa?

Lợi ích

Không thể phủ nhận ưu điểm của các công việc bán thời gian với du học sinh như:

· Kiếm thêm thu nhập

Vật giá ở nước ngoài thường đắt đỏ nên làm thêm được coi là “cứu cánh” cho những du học sinh không mấy dư dả về tài chính. Nếu cố gắng và đủ may mắn, bạn có cơ hội kiếm được rất nhiều công việc lương cao, dù không đủ trả học phí nhưng cũng trang trải phần nào các chi phí phát sinh trong cuộc sống. Ngoài ra, bươn chải kiếm tiền cũng là trải nghiệm giúp sinh viên tự lập hơn, có ý thức tiết kiệm và trân trọng giá trị đồng tiền khi không còn phụ thuộc vào người khác.

· Nâng cao kinh nghiệm

Làm thêm đồng nghĩa với việc sinh viên có vô số cơ hội rèn luyện sức chịu đựng, nâng cao kinh nghiệm. Ví dụ, nếu học tốt và có hứng thú với dạy học thì công việc gia sư không những giúp bạn cải thiện kỹ năng truyền đạt mà còn như một lần ôn lại bài học, giúp kiến thức của bạn ngày một vững chắc hơn. Cũng đừng nghĩ những công việc chân tay không mang lại lợi ích gì; chúng giúp sinh viên nhanh nhẹn hơn và cải thiện cả kỹ năng giao tiếp – thứ vô cùng quan trọng khi bạn đi làm sau này.

· Học cách tổ chức cuộc sống

Phải cân bằng giữa việc làm và chuyện học vừa là thử thách, vừa là cơ hội để bạn biết cách quản lý thời gian, phương pháp sinh hoạt để làm được nhiều việc một lúc sao cho hiệu quả.

· Mở rộng mối quan hệ

Đi làm chính là môi trường tốt nhất để mở rộng các mối quan hệ. Một chút chân thành cùng tài ăn nói, biết đâu những cơ hội không ngờ sẽ tìm đến bạn?

Hạn chế

Như đã nói, làm thêm cũng chứa đựng nhiều mặt trái mà không phải du học sinh nào cũng sẵn sàng đối mặt.

· Ảnh hưởng đến việc học

Đây là nhược điểm rõ ràng nhất, khiến bất cứ phụ huynh và học sinh nào lo ngại khi nghĩ đến chuyện làm thêm. Học bằng một thứ tiếng khác còn khó hơn rất nhiều, đòi hỏi sự đầu tư về thời gian thì mới theo kịp chương trình trên lớp. Vừa học vừa làm khiến lịch trình của bạn thêm bận rộn, cơ thể mệt mỏi và không còn sức ôn bài.

Chưa kể, vì nguồn lợi kinh tế trước mắt, rất nhiều bạn dễ sa đà vào việc kiếm tiền mà quên mất ưu tiên hàng đầu khi ra nước ngoài là chuyện học.

· Quyền lợi lao động

Lao động bán thời gian thường không được hưởng nhiều đãi ngộ như nhân viên chính thức và dễ bị thay thế khi chủ thuê hết nhu cầu. Một số du học sinh còn gặp phải các trung tâm môi giới việc làm lừa đảo hoặc bị bóc lột sức lao động do thiếu cảnh giác và không có hợp đồng làm việc rõ ràng.

· Sức khỏe và tâm lý

Vừa học vừa làm đã khó, có thời gian chăm sóc cho bản thân lại càng khó hơn. Chuyện stress cũng khó tránh khỏi nếu bạn ôm đồm quá nhiều việc cùng một lúc.

Kết

Làm thêm không xấu, tuy nhiên nó không phải là lựa chọn hàng đầu của các du học sinh khi có vấn đề về sức khỏe hoặc chưa ổn định việc học trên trường. Bạn nên tìm việc vừa sức, phù hợp với khả năng và luôn sẵn sàng rời xa các công việc này khi chúng có tốn quá nhiều thời gian và có dấu hiệu làm quá tải cuộc sống của bạn. Cần xác định rằng một khi đã bước chân lên con đường du học, chuyện học hành vẫn là ưu tiên số một.

Thông tin bổ ích :Du học sinh làm thêm – Nên hay Không?