Được học tập ở những nước có nền giáo dục tiên tiến là cơ hội không phải ai cũng có, tuy nhiên du học không có nghĩa là bạn sẽ thành công. Cần thực tế và lượng sức mình trước khi “vỡ mộng” vì ấp ủ quá nhiều ảo tưởng.
Nếu cơ hội, chắc hẳn ai cũng muốn được đi du học bởi những điều tốt đẹp luôn được hứa hẹn như nói ngoại ngữ giỏi như tiếng mẹ đẻ, được mở mang tri thức, tìm được việc lương cao và có khả năng định cư sau khi tốt nghiệp.
Thế nhưng, những điều này không phải bao giờ cũng đúng. Nếu không sống thực tế và có cái nhìn đúng đắn về du học, rất có thể bạn sẽ thất vọng vì ôm quá nhiều ảo tưởng.
Xem thêm :Kinh nghiệm - Những lưu ý chọn trường khi du học
Du học đồng nghĩa với giỏi ngoại ngữ
Không thể phủ nhận rằng du học chính là môi trường tốt nhất để rèn luyện khả năng ngoại ngữ do bạn buộc phải sống và giao tiếp với người bản xứ trong thời gian dài. Tuy nhiên điều kiện tốt là một chuyện, có giỏi hay không lại phụ thuộc vào ý chí, quyết tâm của mỗi du học sinh. Rất nhiều người ra nước ngoài lâu năm nhưng tiếng vẫn không “sõi” do chỉ giao lưu với người Việt hoặc nghe, nói tốt còn kỹ năng viết vẫn không tiến bộ do ít đọc sách, học từ mới. Chưa kể, nếu tiếng còn chưa vững mà đã du học, sinh viên còn không tránh khỏi cảm giác tự ti và càng thu mình lại.
Cần ý thức rằng giỏi ngoại ngữ là thành quả của một quá trình luyện tập dài và phải luôn cố gắng tự học, chủ động trong giao tiếp, môi trường nước ngoài chỉ là chất xúc tác để bạn hoàn thiện các kỹ năng.
Dễ “ẵm” học bổng du học
Ai cũng muốn được hỗ trợ tài chính nhờ học bổng. Tuy nhiên, “không bữa trưa nào là miễn phí”, để giành được học bổng, du học sinh cũng phải trải qua vô vàn thử thách cam go.
Do tỉ lệ “chọi” vô cùng lớn nên điều kiện xét duyệt học bổng của các trường nước ngoài không hề dễ. Bạn phải có thành tích học tập tốt (điểm GPA và chứng chỉ tiếng Anh càng cao càng là lợi thế), hồ sơ ấn tượng, tham gia nhiều hoạt động ngoại khóa, tình nguyện hay có người đủ tin cậy viết thư giới thiệu cho,… Mức học bổng càng cao thì yêu cầu càng lớn, bởi vậy sinh viên cần xác định đúng năng lực bản thân để tránh ôm ảo tưởng mà đánh mất nhiều cơ hội khác.
Có thể trả học phí bằng việc làm thêm
Rất nhiều du học sinh chọn cách vừa làm vừa học. Tuy nhiên nếu nghĩ rằng có thể chi trả tiền học hàng năm nhờ những khoản làm thêm thì đó là một sai lầm.
Dù có sự chênh lệch trong học phí ở mỗi nước nhưng du học có nghĩa là bạn phải xác định số tiền bỏ ra mỗi năm lên đến hàng trăm triệu. Trong khi, đó lương làm thêm trung bình chỉ khoảng $15/giờ và du học sinh bị giới hạn thời gian làm việc nên dù kiếm được nhiều tới đâu thì phần tiền đó cũng chỉ giúp bạn trang trải một phần cuộc sống hàng ngày. Chưa kể, vật giá ở nước ngoài vô cùng đắt đỏ nên càng khó để tiết kiệm được nhiều tiền.
Du học sinh cần ý thức được điều này để có sự chuẩn bị tài chính ngay từ khi ở nhà, phân bố thời gian làm việc hợp lý để ưu tiên cho việc học.
Tìm được việc tốt, lương cao sau tốt nghiệp
Không ít trường hợp du học sinh về nước và than rằng không tìm được công việc ưng ý hoặc mức lương được trả chưa xứng với bằng cấp của các bạn.
Cần hiểu là du học giúp các bạn có lợi thế về ngoại ngữ, kiến thức, tuy nhiên đó không phải là điều kiện tiên quyết của chủ lao động trong quá trình tuyển dụng. Họ sẽ quan tâm tới việc ứng viên có phù hợp với vị trí công việc, có khả năng thích nghi và hòa hợp hay không hơn là việc bằng đại học của bạn được cấp bởi nước nào.
Khả năng định cư cao
Với tình trạng người bản xứ thiếu việc làm, chủ nghĩa dân tộc trở thành xu thế ở nhiều nước thì cánh cửa định cư không còn quá rộng mở với du học sinh. Một số quốc gia như Anh thậm chí còn thắt chặt luật cho phép sinh viên quốc tế ở lại tìm việc sau tốt nghiệp. Bởi vậy, nếu bạn không thực sự xuất sắc và có khả năn chứng minh với nhà tuyển dụng rằng mình nổi trội hơn lao động nước sở tại thì không nên đặt định cư là mục tiêu hàng đầu khi du học.
Bạn không thể bỏ qua :“Điểm danh” các quốc gia tạo điều kiện cho du học sinh hàng đầu thế giới