Cơ hội và thách thức của chương trình Co-op (Canada)

Bên cạnh việc hỗ trợ vừa học vừa làm và được hưởng lương từ các lĩnh vực liên quan đến chuyên ngành mình học, chương trình CO-OP của Canada cũng mang lại những thách thức không nhỏ, đặc biệt là với du học sinh.Xem thêm :Chương trình Co-Op tại Canada vừa học vừa làm. Tích lũy kinh nghiệm - Định cư lâu dài

Cơ hội và thách thức của chương trình Co-op (Canada)

Du học sinh Canada hẳn đã quá quen với thuật ngữ CO-OP – chương trình tạo điều kiện cho sinh viên thực tập có hưởng lương trong thời gian học. Đây là cơ hội cho các sinh viên có ý chí cầu tiến, muốn được làm quen với môi trường làm việc thực tế có cơ hội tìm được việc làm ngay từ khi còn trên ghế nhà trường. Tuy nhiên, CO-OP cũng mang lại nhiều thách thức, đòi hỏi các bạn trẻ phải suy nghĩ thật kĩ trước khi đăng ký chương trình này và bắt đầu học kì vừa học vừa làm.

Mất nhiều thời gian chuẩn bị

Quá trình “săn việc” trong chương trình CO-OP (ví dụ như xin vào các vị trí thực tập, phỏng vấn,…) giữa học kỳ vô cùng mất thời gian, căng thẳng và tốn nhiều công sức. Công việc tuyển dụng thường bắt đầu từ tuần thứ 4 trong kỳ học và phỏng vấn hay diễn ra vào giữa học kỳ. Sinh viên nào chưa tìm được việc trong thời điểm này sẽ phải vào vòng 2, đồng nghĩa với việc về nhà tìm việc, nộp đơn, trải qua vòng phỏng vấn và cứ thế lập đi lặp lại. Tréo ngoe một nỗi, vòng phỏng vấn rất hay được tổ chức vào thời gian lên lớp nên hãy đảm bảo rằng bạn vừa có thể “đối phó” được với nhà tuyển dụng, vừa bắt kịp tốc độ học ở trường.Do vậy, hãy cân nhắc nhu cầu sử dụng thời gian của bạn khi lên kế hoạch học tập hoặc tham dự các hoạt động ngoại khoá hay khả năng thích ứng của bản thân, tránh lâm vào tình trạng ôm đồm hay stress vì công việc “quá tải”.

Không đảm bảo sẽ có việc

Dù những người mở ra chương trình CO-OP tại Canada rất cố gắng để đảm bảo có đủ vị trí công việc cho người đăng ký, nhưng điều này không có nghĩa rằng cứ tham gia CO-OP là sinh viên sẽ có việc. Quá trình tuyển dụng rất cạnh tranh và ứng viên sẽ được cân nhắc dựa trên cách thể hiện, kỹ năng, động lực, sự chín chắn và thái độ giao tiếp. Nhiều địa điểm làm việc thậm chí còn cách xa nơi bạn sống, bởi vậy ứng viên không những cần có khả năng cạnh tranh mà còn phải linh hoạt thích nghi với vị trí, địa điểm công việc để không bỏ lỡ cơ hội quý.

Bất tiện trong di chuyển

Do một kỳ CO-OP kéo dài trong 4 tháng và rất có thể địa điểm làm việc sẽ cách xa trường của bạn nên sinh viên sẽ phải thuê nhà mới, trả nhà sau khi kết thúc khoá thực tập rồi lại tìm nhà ở gần trường. Quá trình này có thể lặp đi lặp lại nhiều lần, hoặc không bạn sẽ phải chấp nhận đi một quãng đường rất xa giữa nhà và nơi làm việc. Đây cũng là một điểm hạn chế, bởi chuyển nhà liên tục không những mất thời gian và không phải lúc nào các bạn trẻ cũng tìm được bất động cho thuê.

Thêm chi phí

Sinh viên sẽ phải trả thêm phí khi tham gia chương trình CO-OP do hình thức liên kết giữa nhà trường và văn phòng này khá phức tạp, đòi hỏi bộ máy nhân công hỗ trợ lớn. Mức phí phụ thuộc vào từng trường, chẳng hạn như Đại học Waterloo thu $500 CAD cho mỗi kỳ thực tập. Tuy nhiên, khoản phí CO-OP này gây tranh cãi vì nó không đảm bảo rằng cứ nộp phí là bạn sẽ có việc và tiền đã nộp sẽ không được hoàn lại, kể cả khi sinh viên không tìm được vị trí thực tập nào.

Nếu sinh viên không chắc rằng mình có thể tìm được công việc trong thời gian đi CO-OP thì đây sẽ là một sự lãng phí lớn, do vậy các bạn cần xác định rõ năng lực, sức cạnh tranh của bản thân có phù hợp tham gia chương trình thực tập này hay không.

Thời gian tốt nghiệp kéo dài

Bạn rất có thể sẽ tốt nghiệp muộn hơn so với sinh viên không tham gia CO-OP. Chương trình CO-OP được chia thành các kỳ làm việc. Lấy ví dụ là Đại học Waterloo, trường này có 6 kỳ làm việc và để hoàn thiện đủ 6 kỳ này, thời gian để bạn hoàn thành chương trình học có thể kéo dài thêm một năm. Nếu vẫn muốn tốt nghiệp đúng hạn, sinh viên sẽ phải học các kỳ học bổ sung và phải đăng ký kín các tín chỉ trong học kỳ.