Canada những năm gần đây thường xuyên lọt top các quốc gia có nền giáo dục hàng đầu thế giới và ngày càng thu hút được lượng lớn du học sinh quốc tế, trong đó có Việt Nam. Tuy vậy, những yếu tố đó chưa đủ để làm dịu nỗi lo “Du học Canada có khó không?” của sinh viên và các bậc phụ huynh.
Xem thêm :Danh sách trường trong chương trình Canada Express Study (CES)
Thực chất, không câu trả lời nào có thể giải đáp hoàn toàn thắc mắc này bởi dễ hay khó phụ thuộc điều kiện, tình huống, nguyện vọng của mỗi người. Sau đây, Trang Tuyển Sinh xin liệt kê một số yếu tố liên quan tới du học Canada để các ứng viên tham khảo, qua đó tự tìm ra đáp án cho mình.
Chi phí
Du học Canada tiết kiệm hơn một số quốc gia khác như Mỹ, Anh Úc là sự thật, tuy nhiên không có chuyện chi phí học tập, sinh sống ở quốc gia này ở mức “rẻ như cho”. Mức sống và tiền học ở đây phụ thuộc vào từng tỉnh bang cũng và các trường riêng biệt. Tuy nhiên, Ontario là vùng được đánh giá là đắt đỏ nhất.
Học phí trung bình ở từng bậc học như sau:
Bậc Đại học: 25,180 CAD/năm (tương đương 441 triệu VNĐ)
Trong đó, các ngành như Nghệ thuật & Nhân văn có xu hướng rẻ hơn. Ngược lại, Cơ khí và Dược nằm trong top những ngành học đắt nhất ở Canada (khoảng hơn 500 triệu VNĐ/năm). Các chương trình Kinh doanh & Quản trị thường có giá thấp hơn mức nội địa (tầm 432 triệu VNĐ/năm).
Bậc sau Đại học: 16,252 CAD/năm (tương đương 285 triệu VNĐ/năm)
Học phí sau Đại học có xu hướng rẻ hơn Đại học, tuy nhiên giá cả còn phụ thuộc vào từng chương trình học.
Như vậy, nếu gia đình có thu nhập khá giả (từ 30 triệu/tháng trở lên) thì hoàn toàn có thể chi trả mức học phí này. Tuy vậy, nếu không mạnh về tài chính, bạn vẫn có thể lựa chọn những trường nhỏ, nằm ở khu vực xa trung tâm hay hệ cao đẳng do học phí thường rẻ hơn. Ngoài ra, sinh viên được phép làm thêm theo luật, hỗ trợ phần nào chi phí cho gia đình.
Áp dụng tương tự cho chi phí sinh hoạt, sẽ đắt đỏ hơn nếu sinh sống ở thành phố lớn như Toronto, Vancouver,… và giá cả giảm dần khi về vùng ngoại ô hoặc những tỉnh bang nhỏ, thưa dân.
Nhìn chung về vấn đề này, lời khuyên duy nhất chính là sinh viên cần cân nhắc khả năng tài chính của gia đình để chọn nơi sống và trường học cho phù hợp.
Điều kiện Tiếng Anh
Du học sinh cần đảm bảo trình độ tiếng Anh nhất định khi tới Canada. Trên lý thuyết, sinh viên tới Canada diện chứng minh tài chính thông thường không cần nộp điểm IELTS trong hồ sơ xin visa, tuy nhiên tỉ lệ rủi ro khi xét duyệt hồ sơ sẽ cao hơn.
Người nào đi theo diện visa đơn giản hóa chứng minh tài chính (CES) cần đảm bảo có chứng chỉ IELTS 5.0 (không kỹ năng nào dưới 4.5).
Tuy vậy, nếu tiếng Anh còn yếu, bạn có thể tham gia các khóa học ngôn ngữ ESL (English as Second Language) ngắn hạn hoặc khóa bổ sung trước khi nhập học chính thức. Nhược điểm của hình thức này là khá mất thời gian và khá tốn kém, dù đây là “cứu cánh” cho những người chưa rành tiếng.
Khả năng học tập
Việc du học Canada dễ hay khó còn phụ thuộc vào khả năng học tập của mỗi người. Nếu có kết quả học tốt, bạn hoàn toàn có thể xin vào những trường hàng đầu như McGil University, University of Toronto, University of British Columbia…
Còn học lực không quá xuất sắc thì cũng… không sao, bởi vẫn còn vô vàn lựa chọn khác dành cho bạn ở các đại học, cao đẳng thứ hạng thấp hơn hoặc trường nghề. Từ đó, du học sinh nên xác định mục đích học của mình là nghiên cứu hay hướng tới tìm việc làm sau tốt nghiệp để có định hướng đúng. Mỗi ngành học cũng có yêu cầu đầu vào khác nhau, phù hợp với năng lực điều kiện của từng cá nhân, do đó sinh viên cần đầu tư tìm hiểu kỹ trước khi nộp đơn vào bất cứ trường nào.
Tiêu chí xét duyệt visa
Nộp hồ sơ xin visa du học Canada thường là khâu khiến các ứng viên “hãi hùng” nhất bởi không có gì chắc chắn là bạn sẽ được nhận thị thực nhập cảnh vào lãnh thổ nước này. Tuy vậy, tới Canada theo diện chứng minh tài chính sẽ không làm khó nổi ứng viên nếu khẳng định được khả năng kinh tế của gia đình, chuẩn bị được giấy tờ nhập học, tài liệu đầy đủ theo yêu cầu của đơn vị tiếp nhận hồ sơ.
Ngược lại, nếu không mạnh về tài chính, các bạn có thể tham khảo con đường du học Canada qua chương trình CES, hứa hẹn đơn giản hóa 1 số thủ tục giấy tờ. Cụ thể, bạn không cần trải qua quá nhiều bước chứng minh tài chính phức tạp nếu đã nộp 10,000 CAD để mua GIC tại ngân hàng Scotiabank. Tuy nhiên, CES không đảm bảo tỉ lệ trúng visa tới 100% nếu bạn không đáp ứng đủ điều kiện của chính quyền sở tại.
Chuyện phỏng vấn – có hay không?
Trung tâm tiếp nhận hồ sơ xin Visa Canada tại Việt Nam cho biết, các ứng viên xin visa du học không bắt buộc phải trải qua vòng phỏng vấn. Sẽ có thông báo cho du học sinh trường hợp hồ sơ được chấp thuận miễn phỏng vấn hay từ chối cấp thị thực. Đây là lợi thế cho những ai tâm lý yếu, không đảm bảo sẽ trả lời tốt câu hỏi của phỏng vấn viên.
Dù vậy, vẫn có những trường hợp Trung tâm liên hệ ứng viên và yêu cầu phỏng vấn để làm rõ một số vấn đề trong hồ sơ. Nhưng đây không phải điều gì quá nguy hiểm bởi nếu cung cấp thông tin tốt, visa của bạn thậm chí còn được duyệt nhanh hơn.