Kinh nghiệm du học Canada: Những điều nên biết

Bắt đầu cuộc sống mới trên đất nước không cùng ngôn ngữ sẽ là thử thách không nhỏ với nhiều bạn trẻ. Du học Canada mang đến cả cả hội lẫn thách thức cho những ai muốn trải nghiệm nền giáo dục tiên tiến ở nước này, vậy nên việc tiếp thu kinh nghiệm của người đi trước về địa điểm, ngành học hay công việc là việc rất nên làm, giúp bạn dễ dàng thích nghi hơn.

Kinh nghiệm du học Canada: Những điều nên biết

Dưới đây là những kinh nghiệm mà du học sinh Canada cần biết trước khi bắt đầu cuộc sống tại xứ người.

Xem thêm :Kinh nghiệm phỏng vấn visa Canada

Chứng minh tài chính v.s chương trình CES?

Du học sinh có thể lựa chọn 1 trong 2 con đường tiến vào lãnh thổ Canada, gồm diện chứng minh tài chính thông thường và du học theo chương trình Canada Express Study Program (CES) giúp đơn giản hóa thủ tục chứng minh tài chính, rút ngắn thời gian duyệt visa. Mỗi kênh đều có ưu điểm và hạn chế riêng, đòi hỏi các bạn phải tìm hiểu thật kỹ trước khi đưa ra lựa chọn cuối cùng.

Nếu du học theo diện chứng minh tài chính thông thường, sinh viên bắt buộc phải nộp đầy đủ các giấy tờ tài chính, nguồn thu hàng tháng nhằm đảm bảo gia đình có điều kiện chi trả chi phí sinh sống, học tập tại Canada. Thời gian xét visa cũng lâu hơn. Tuy vậy, ưu điểm của hình thức này là không yêu cầu điểm IELTS cụ thể (miễn đáp ứng được yêu cầu của nơi học) và không gặp giới hạn khi chọn trường.

Du học theo chương trình CES có những ưu điểm thu hút các bạn trẻ như thay vì chứng minh tài chính, chỉ cần đóng tiền học năm đầu & mua GIC tại ngân hàng Scotiabank (trị giá 10,000 CAD). Thời gian xét hồ sơ cũng ngắn hơn. Hạn chế của chương trình là sinh viên chỉ được chọn 1 trong 55 trường trong danh sách, đa phần là các đại học, cao đẳng dạng vừa và nhỏ, IELTS phải trên 5.0 (không kỹ năng nào dưới 4.5).

Chọn ngành hợp lý

Sẽ rất may mắn nếu bạn biết rõ mình muốn gì và chuẩn bị lộ trình học tập, làm việc cặn kẽ cho giai đoạn du học và sau tốt nghiệp. Tuy vậy, nhiều du học sinh vẫn “hoang mang” trước tương lai và chưa xác định được ước mơ.

Trong trường hợp đó, nếu xác định mục tiêu là làm việc tích lũy kinh nghiệm, thậm chí là định cư tại Canada, các bạn nên tìm khả năng học tập của mình, qua đó đối chiếu với những ngành nghề đang “hot” hay thiếu nhân lực ở nước này nhằm chọn ra ngành phù hợp với nguyện vọng.

Theo Randstad, dưới đây là danh sách những ngành nghề được coi là dễ xin việc tại Canada

Ngành

Công việc

Công nghệ

Phân tích hệ thống, quản lý dự án, nhân viên phát triển phần mềm, chuyên gia phân tích kinh doanh, kiểm soát viên chất lượng, hỗ trợ kỹ thuật, chuyên gia phát triển web và hệ Java,…

Sản xuất, chế tạo

Giám sát sản phẩm, thợ máy tổng hợp, thợ hàn, nhân viên lắp ráp, thợ sơn công nghiệp, lao động sản xuất, thợ máy lắp ráp,…

Cơ khí

Kỹ sư máy, kỹ sư dân sự, kỹ sư sản xuất, kỹ sư kiểm tra chất lượng, giám đốc kỹ thuật, kỹ sư điện, vv…

Marketing & bán lẻ

Đại diện bán lẻ, nhân viên bán hàng, giám đốc marketing, quản lý khách hàng, quản lý thương hiệu, chuyên gia phân tích marketing,…

Nhân sự

Giám đốc nhân sự, tuyển dụng viên, điều phối viên,…

Tài chính, kế toán

Kế toán, chuyên gia phân tích tài chính, kiểm toán viên, chuyên viên phân tích báo cáo tài chính,…

Địa điểm cư trú

Du học sinh nên cân nhắc địa điểm du học tại Canada dựa vào yếu tố ngôn ngữ, trường học và mức sống.

· Ngôn ngữ

Trước khi đến Canada, bạn cần nhớ rằng quốc gia này dùng song song 2 thứ tiếng Anh và Pháp. Nếu chọn trường ở các tỉnh như Quebec và New Brunswick thì biết tiếng Pháp là điều bắt buộc.

· Trường học

Những tỉnh như Ontario, Quebec, British Columbia và Alberta thường sở hữu số lượng trường lớn, nhiều cơ sở có thứ hạng giáo dục cao hơn so với những vùng còn lại trên lãnh thổ.

· Mức sống

Chi phí sinh hoạt tại các thành phố lớn như Toronto, Vancouver, Ottawa thường sẽ đắt hơn các vùng khác.

Chọn nhà ở

Thông thường, có 3 lựa chọn về chỗ ở cho du học sinh là ký túc xá, homestay và thuê nhà.

· Ký túc xá

Hầu hết các đại học, cao đẳng ở Canada cung cấp ký túc xá gần với khuôn viên trường học. Ưu điểm của hình thức này là an ninh tốt, thuận tiện cho việc di chuyển của sinh viên. Tuy vậy, nếu không đăng ký sớm, ký túc thường hết chỗ rất nhanh.

Giá phòng cũng khá đắt, trung bình du học sinh phải trả từ 3,000 - 7,500 CAD/năm.

· Homestay

Hình thức sống chung với gia đình người bản xứ khá phù hợp với du học sinh còn trong tuổi vị thành niên hoặc những ai có nhu cầu học tiếng, muốn nhanh chóng hòa nhập với cuộc sống mới. Thường thì các nhà homestay khá thân thiện, nhưng cũng có trường hợp sinh viên không hòa hợp với gia chủ hoặc cảm thấy bất tiện trong vấn đề giờ giấc.

Giá cả: Từ 400 đến 800 CAD/tháng, phụ thuộc vào vị trí nhà.

· Thuê nhà

Thuê nhà là lựa chọn tối ưu cho sinh viên trên 18 tuổi, thích nếp sống tự do, không bị quản lý về giờ giấc. Nếu sống chung, bạn còn có thể chia sinh hoạt phí theo đầu người và tiết kiệm được khá nhiều tiền. Tuy nhiên, cần chú ý đề phòng lừa đảo.

Giá cả: Từ 400 đến 1,500 CAD/tháng.

Tìm việc làm thêm

Sinh viên quốc tế được quyền làm thêm 20h/tuần trong học kỳ và không giới hạn thời gian khi bước vào kỳ nghỉ. Nếu có năng lực và khả năng cạnh tranh, các bạn có thể tìm 1 số việc trong trường như thủ thư, trợ giảng, vv… Còn lại, có khá nhiều công việc bên ngoài như bán hàng, thu ngân,… nhưng chủ yếu là lao động chân tay.

Bạn sẽ quan tâm: Kinh nghiệm Pack đồ "siêu chuẩn" khi đi du học

Sinh viên có thể tìm việc làm thêm tại các trang web như http://pc.gc.ca/en, https://www.jobbank.gc.ca/ hoặc liên hệ trung tâm tư vấn việc làm tại chính ngôi trường mình theo học.

Ngoài ra, các đại học, cao đẳng hầu như đều cung cấp chương trình CO-OP, lồng việc thực tập có trả lương vào chương trình học. Thông thường, sinh viên làm thêm theo diện CO-OP sẽ nhận được từ 13 CAD trở lên cho 1 giờ làm việc. Mức lương có thể thay đổi tùy cấp độ. Đây là hình thức công việc được đánh giá cao và sinh viên được khuyến khích tích cực tham gia bởi nó giúp các bạn áp dụng lý thuyết vào thực tiễn, tích lũy kỹ năng và kinh nghiệm cho công việc sau này.