https://old.trangtuyensinh.com/nu-thu-tuong-julia-gillard-hien-tuong-nuoc-uc.html
Trong lịch sử nước Úc, đương kim thủ tướng có những điều đặc biệt: là phụ nữ, chưa kết hôn và không con, sinh ở nước ngoài. Quả thật không sai khi gọi Julia Gillard người phụ nữ đầu tiên ngự trị The Lodge, Dinh Thủ tướng Úc ở Canberra là một hiện tượng nước Úc.
Thành phố Adelaide, thủ phủ bang South Australia, đóng một vai trò hết sức quan trọng trong thời niên thiếu và sự nghiệp chính trị của Julia Gillard – người chào đời ở thị trấn Barry xứ Wales, Vương quốc Anh nhưng đã đặt chân lên đất Úc cách đây gần nửa thế kỉ. Bắt nguồn từ bệnh viêm cuống phổi mãn tính của bà, bác sĩ khuyên cha mẹ bà nên dọn nhà đến một nơi có khí hậu ấm áp hơn vì bầu không khí lạnh và ẩm của xứ Wales rất có hại cho lá phổi của một đứa bé.
Nữ thủ tướng Julia Gillard – Hiện tượng nước Úc
Adelaide cũng là nơi sinh chốn ở hiện nay của gia đình bà gồm có ba mẹ hành nghề y tá cùng gia đình chị gái lớn hơn bà Julia 3 tuổi). Thành phố Melbourne, chứ không phải Adelaide, thật ra mới là sự lựa chọn ban đầu của gia đình. Nhưng trời xui đất khiến họ gặp một cặp vợ chồng đồng hương xứ Wales trên tàu làm họ thay đổi ý định bởi Melbourne hay Adelaide lúc đó cũng chỉ là một cái tên trên bản đồ của một quốc gia chưa từng biết đến.
Hiệu suất cao, tham vọng lớn
Bà Julia hấp thụ nền giáo dục cơ bản ở Trường Tiểu học Mitcham và Trường Trung học Unley. Tại Unley, Julia là thành viên tích cực của Hội đồng đại diện học sinh. Nhiều người bắt đầu biết đến cái tên Julia Gillard khi bà trở thành phó chủ tịch Hiệp hội Sinh viên Úc (AUS) trong lúc đang học Khoa Văn và Khoa Luật Trường Đại học Adelaide. Rồi cũng vì chức vụ này, năm 1983, bà phải chuyển về Trường Đại học Melbourne do trụ sở AUS nằm ở đây. Cũng trong năm đó, nhờ tích cực hoạt động chính trị, Julia được bầu làm chủ tịch AUS.
Nữ cử nhân văn chương và luật Julia Gillard khởi nghiệp ở Slater & Gordan, một công ty luật lớn ở Melbourne có phần lớn khách hàng là các nghiệp đoàn cánh tả. Bà nổi tiếng với hai chuyện mà một số người cho là “kỳ quặc” sau khi trở thành một đối tác của công ty. Thứ nhất, vốn ám ảnh với môn ngữ pháp mà bà rất giỏi, bà không chịu nổi những văn thư chấm phẩy lung tung. Dưới mỗi văn thư như vậy, bà vẽ một con mèo đội nón với hy vọng văn thư đó sẽ quay trở lại sạch lỗi ngữ pháp. Thứ hai, bà dạy nhân viên cấp dưới bài hát ngữ pháp do bà sáng tác trong đó có câu “một con mèo đội nón, hai con mèo đội nón”…
Sự nghiệp chính trị của bà Julia bắt đầu từ cuối thập niên 1980 khi tham gia nhóm Diễn đàn Xã hội Chủ nghĩa thuộc cánh tả của Công Đảng. Từ 1998 đến 2007, bà làm phó thủ tướng kiêm bộ trưởng Giáo dục và Bộ Lao động, nói chung con đường thăng tiến của bà khá suôn sẻ nhờ đức tính làm việc tập trung hiệu suất cao, rất có kỷ luật và có tham vọng lớn lại thông minh. Ngày 24-6-2010, được bầu làm chủ tịch Công Đảng Úc (ALP) bà đương nhiên làm thủ tướng.
Giới tính không quan trọng
Chuyện bà Julia Gillard làm thủ tướng có nhiều ý kiến và nhận định trái chiều ngay trong giới phụ nữ Úc. Một cuộc thăm dò ý kiến tại bang South Australia cho thấy gần 50% phụ nữ ủng hộ bà Julia hơn Tony Abbott, thủ lĩnh Đảng Tự do. Tuy nhiên, tại bang Queensland, chỉ có 30% phụ nữ ủng hộ bà. Tại sao? Jacqueline Kent, một nhà văn nữ Úc nổi tiếng, tác giả quyển Sự thành công của Julia Gillard (2009) viết về cuộc đời và sự nghiệp của bà Julia, giải thích rằng chính vì bà là một người phụ nữ mạnh mẽ và quyết đoán cho nên nhiều người không thích. Trong suy nghĩ họ, bà Julia thiếu nữ tính.
Theo bà Kent, trong tham vọng làm chuyện “đại sự”, bà Julia không bao giờ nhấn mạnh đến giới tính của mình. “Bà ấy cho rằng giới tính chỉ là một sự tình cờ trong lý lịch. Bà không bao giờ tự cho mình là một tấm gương của một người phụ nữ trong thế giới chính trị vốn được coi là đất của đàn ông. Bà ấy chỉ muốn, với tư cách là một con người, chứng minh rằng bà có thể làm tốt như mọi người”.
Chính bà Julia cũng từng nói: “Điều mà tôi luôn luôn muốn chứng tỏ là dù đàn bà hay đàn ông, bạn có thể lớn lên trong môi trường thù địch”. Trong thực tế, bà thể hiện tinh thần này một cách tuyệt vời, theo bà Kent: “Bà ấy là một người cực kỳ thông minh nhưng không bao giờ tỏ ra là bề trên. Bà ấy có thể chỉnh sửa một ai đó mà không làm cho người đó cảm thấy mình ngu ngốc”.
Gặp nhau trong tiệm cắt tóc
Những người chống đối thường mô tả bà Julia là một nhà tư tưởng không có trái tim vì bà không có con và chưa bao giờ kết hôn. Trên thực tế, bà Julia vẫn có bạn đời đã ly dị vợ và có ba con riêng. Ông Tim Mathieson là một người rất đỗi bình thường hiện nay làm nhân viên công ty kinh doanh địa ốc nhưng nghề chính là thợ cắt uốn tóc, từng mở nhiều tiệm cắt tóc.
Bà Grace Romanin, chủ tiệm cắt tóc Heading Out ở Melbourne, kể lại ông Mathieson chỉ làm thợ trong tiệm có một năm (2004) nhưng để lại nhiều ấn tượng đẹp. Bà Julia là khách hàng thường xuyên của tiệm. Và cũng tại đây, hai người đã làm quen và hẹn hò “mặc dù ông ấy chưa bao giờ cắt tóc cho bà”. Bà nói rất vui vì bà Julia chọn một người “ngoại đạo” chính trị và điều quan trọng nhất là ông ấy đã mang lại hạnh phúc cho bà. Ông Mathieson và bà Julia Gillard chính thức sống chung từ năm 2007 đến nay.
Bài viết liên quan:
Tuần lễ Orange F.O.O.D, New South Wales
Nghệ thuật cổ xưa ở công viên quốc gia Kakadu
Cuộc di cư của loài cua đỏ trên đảo Christmas
Bốn mùa ở Úc
Giới thiệu Du học Úc