Có gì trong phương pháp giảng dạy tại Úc?

Phong cách giảng dạy tại Úc sẽ rất khác so với môi trường học tập bạn từng trải qua tại Việt Nam. Tìm hiểu sơ lược về hệ thống đào tạo, phương pháp dạy học cũng là một trong những yếu tố quan trọng để bạn nhanh chóng thích nghi khi du học Úc.

Hệ thống giáo dục và phương pháp đào tạo nước ngoài nói chung và Úc nói riêng chắc hẳn sẽ khiến nhiều du học sinh bỡ ngỡ vào ngày đầu lên lớp. Hãy cùng xem quốc gia này chú trọng vào điều gì và có điểm nào khác biệt so với cách giảng dạy ở Việt Nam nhé!

Có gì trong phương pháp giảng dạy tại Úc?

Hệ thống học phụ đạo

Ở Úc, nhiều loại bằng cấp, chẳng hạn như bằng Khoa học xã hội và Nhân văn sẽ được dựa trên hệ thống học phụ đạo. Điều này có nghĩa là sinh viên phải tham gia lớp học phụ đạo có sĩ số nhỏ hơn bên cạnh việc lên lớp chính một vài buổi/tuần với giảng viên và tất cả mọi người. Trong lớp phụ đạo, sinh viên sẽ thảo luận xung quanh các ý kiến, vấn đề được nêu ra trong lớp chính hoặc làm các bài thuyết trình. Đa phần các lớp phụ đạo đều yêu cầu bắt buộc tham gia và đây cũng là cơ hội tốt để giải quyết bài vở bạn còn chưa nắm rõ trong thời gian lên lớp chính khoá.

Xem thêm :Tổng quan hệ thống giáo dục nước Úc

Đừng ngại “thách thức” giảng viên

Giảng viên và trợ giảng ở các đại học Úc đều là người giàu kinh nghiệm chuyên môn nhưng phương pháp giáo dục của Úc luôn nhấn mạnh rằng ý kiến giáo viên không phải là duy nhất. Người Úc nói chung có thái độ thoải mái và cầu tiến và điều này xuất hiện ngay trong môi trường sư phạm.

Nếu bạn thấy ý kiến của thầy cô trái ngược với quan điểm của mình, bạn hoàn toàn có quyền phản biện, miễn là giữ được sự tôn trọng và lịch sự với đối phương. Trong nhiều trường hợp, tranh luận không phải để xem ai đúng ai sai mà là cơ hội giúp sinh viên và giảng viên tiếp nhận ý kiến của nhau, qua đó có thêm góc nhìn đa chiều về vấn đề đang được “mổ xẻ”.

Đừng nhầm giữa “thời gian lên lớp” và “thời gian học”

Có sự khác biệt lớn giữa “thời gian lên lớp” (contact hour) – thời gian bạn lên lớp nghe giảng và học phụ đạo và thời gian học (study hour) – quãng thì giờ bạn bỏ ra để học tập trong 1 ngày. Nhiều khoá học sẽ thông báo cho sinh viên biết họ phải dành ra bao nhiêu giờ tự học bên cạnh những lúc lên lớp.

Trong khoảng thời gian này, sinh viên phải đọc sách, tham dự các lớp chiếu phim, viết luận và tham gia các hoạt động trong khuôn khổ được yêu cầu. Ví dụ, phải đi học 6h/tuần không có nghĩa là cả tuần đấy bạn chỉ phải học trong vòng 6 tiếng. Nếu không hoàn thành các bài tập đọc, viết luận…, chắc chắn điểm số của bạn sẽ bị ảnh hưởng.

Thử thách mang tên “làm việc nhóm”

Làm việc nhóm là một trong những yếu tố làm nên lớp học phụ đạo. Sinh viên được yêu cầu làm việc chung với những người khác để thảo luận, thuyết trình về các đề tài được giao. Làm việc nhóm là bài tập nhằm đánh giá khả năng giao tiếp, hợp tác và mức độ đóng góp vào công việc chung. Đây chính là bước chuẩn bị để sinh viên làm quen với môi trường làm việc sau này.

Khi đạo văn là chuyện lớn

Ở Úc, bạn sẽ bị coi là đạo văn nếu đưa công trình, ý tưởng người khác đã từng trình bày vào trong bài luận của mình. Nếu sinh viên thực hiện hành động này hơn 1 lần hoặc sao chép y nguyên tài liệu vào các công trình quan trọng như khoá luận, nghiên cứu, bạn có thể bị đuổi học, hoặc thậm chí là huỷ bỏ visa.

Do tính chất nghiêm trọng của việc đạo văn tại Úc, du học sinh cần tìm hiểu thật kĩ sự khác biệt giữa trích dẫn và sao chép công trình của người khác. Hầu hết các trường học đều cung cấp cho sinh viên bảng hướng dẫn trích dẫn và làm thế nào để tránh đạo văn vô cùng chi tiết. Các giảng viên trong trường đều sử dụng phần mềm phát hiện đạo văn nên đừng mắc sai lầm nếu bạn không muốn đối mặt với hậu quả nặng nề về sau!