Du học kiểu…Úc

Khi du học, những việc đầu tiên như tìm nơi ở trọ phù hợp, hoà nhập với môi trường mới, tìm được việc làm thêm ảnh hưởng rất nhiều đến chuyện học tập và sinh sống sau này.

Tìm chỗ ở phù hợp

Nhờ anh trai có thu nhập ổn định và tiền thế chấp nhà vay ngân hàng của ba mẹ, Quốc Hưng, quê An Giang đi du học thạc sĩ quản lý giáo dục tại đại học Queensland. Nhiều năm hoạt động trong phong trào hội sinh viên, cũng là cán bộ của hội sinh viên trường, Hưng tận dụng mọi lợi thế mà hội sinh viên, các câu lạc bộ cũng như quỹ khuyến học các trường dành hỗ trợ sinh viên. “Ngành giáo dục Úc muốn thu hút sinh viên quốc tế nên hầu hết các trường đều có trung tâm hỗ trợ sinh viên quốc tế. Khi mới sang, tôi đến văn phòng hỗ trợ vì họ cung cấp đầy đủ thông tin về nhà trọ, việc làm. Đầu tiên, tôi tìm phòng trọ ở ghép gần trường, giá 350 AUD/tháng nhưng phải sắm toàn bộ vật dụng cần thiết. Nhưng ở chung với một số sinh viên các nước, giờ giấc sinh hoạt quá tự do tôi thấy hơi bất tiện. Sau vài tuần, qua một số sinh viên Việt Nam giới thiệu, tôi đến ở cùng gia đình người Việt, rất thoải mái, tiện nghi. Vì hơi xa trường nên tôi đi học bằng xe buýt, nhưng mua được vé tháng ưu đãi cho sinh viên bán ngay tại trường cũng tiện”, Quốc Hưng tâm sự.

Du học kiểu…Úc
Quốc Hưng trong khuôn viên trường Queensland. Ảnh: nhân vật cung cấp
Thường du học sinh Việt ít khi ở ký túc xá vì giá mắc: 200 – 300 AUD/tuần, mà chọn ở cùng nhà người bản xứ (homestay), giá 800 – 1.200 AUD/tháng tuỳ địa điểm. “Ở homestay có lợi nhiều cho giao tiếp tiếng Anh, làm quen với văn hoá, tập tục của người Úc, và nhất là rất an toàn”, Quốc Hưng cho hay. Tại Úc, nhiều trường đã có những nhóm du học sinh Việt Nam được thành lập nhằm hướng dẫn cho người mới sang bắt nhịp với môi trường mới. Tuy nhiên, sau khi giải quyết được những bỡ ngỡ ban đầu, bản thân mỗi học viên phải chủ động trong mọi việc. Ngoài những giờ học trên lớp và tự nghiên cứu trong thư viện, trao đổi với bạn bè thì việc gặp gỡ, trao đổi thường xuyên với thầy cô giáo, nhất là những người hướng dẫn trực tiếp là rất quan trọng. “Thầy cô không chỉ hướng dẫn những kiến thức liên quan đến ngành học mà còn hỗ trợ, tư vấn cũng như định hướng cho học viên phát huy khả năng, tận dụng lợi thế sẵn có. Tôi quyết định ở thêm hơn một năm để hoàn thành bằng thạc sĩ thứ hai về quản trị kinh doanh chính là nhờ tư vấn của thầy hướng dẫn. Theo cảm nhận, các thầy cô tại Queensland rất có cảm tình với sinh viên Việt Nam”.Kinh nghiệm làm thêmDu học sinh sang học bằng học bổng ít quan tâm đến việc làm thêm, nhưng với người tự bỏ tiền nhà đi học, hầu như ai cũng mong đi làm thời gian rảnh để phụ giúp gia đình. “Thời gian đào tạo bậc thạc sĩ thường vào buổi chiều tối, nên ban ngày ngoài chuẩn bị bài vở, du học sinh có nhiều thời gian rảnh rỗi. Vì thế, nhiều người muốn tìm việc làm kiếm thêm thu nhập cho sinh hoạt phí. Như tôi lúc thì phục vụ nhà hàng, khi thì đi hái dâu, hái nho ở trang trại”, Quốc Hưng cho biết. Trang Hoài Thu Thảo, quê ở Bảo Lộc, học tại đại học công nghệ Sydney cho biết những ai được cấp thị thực du học Úc được phép làm việc bán thời gian ngay khi nhập học, nhưng tối đa 20 giờ/tuần. Những người đi làm sẽ có hồ sơ và mã số thuế do sở Thuế vụ Úc cấp để quản lý. Trung bình, sinh viên làm thêm có thể kiếm 6 – 15 AUD/giờ. Làm việc ngày thứ bảy, chủ nhật và ngày lễ, tiền công được trả cao hơn. Trung bình thu nhập khoảng 800 – 1.500 AUD/tháng. Đối với thạc sĩ hoặc tiến sĩ, làm gia sư cho sinh viên trẻ hơn cùng ngành sẽ kiếm được khoảng 40 AUD/giờ. Các bảng thông báo ở trường học, các trang mạng giới thiệu việc làm, các văn phòng hướng nghiệp của cơ sở giáo dục hoặc thông tin từ bạn cùng học, cùng ở trọ hay dân bản địa đều là những nguồn cung cấp thông tin việc làm. “Tôi thường đọc các báo địa phương để biết thông tin các doanh nghiệp địa phương tìm người làm việc bán thời gian. Có những chỗ làm thêm quen biết của người Việt tại Úc, sinh viên có thể làm hơn số thời gian cho phép và nhận tiền mặt, rất có lợi đối với người vừa học vừa làm kiếm tiền phụ thêm gia đình”, Thu Thảo nói. Nhiều du học sinh thổ lộ hồi ở nhà chẳng biết làm gì nhưng sau vài tháng ở đây, họ làm công việc vườn tược như nông dân thực thụ. “Ngày cuối tuần, tôi thường đón xe đi làm từ 5 giờ sáng, làm cả ngày đến 5 giờ chiều về, trung bình 400 – 500 AUD, ngày làm được nhiều nhất tính theo sản phẩm cũng kiếm được 750 AUD. Có nhiều bạn kiếm cả 1.000 – 2.000 AUD. Nhưng xác định sang đây học là quan trọng nhất nên thời gian tôi đi làm thêm cũng chừng mực thôi”, Quốc Hưng cười và cho biết thêm, nhiều du học sinh Việt Nam vay mượn để học thạc sĩ, nhưng trong hai năm vừa học vừa làm, khoản tiền bỏ ra đều thu về hết. Du học sinh còn tận dụng thời gian nghỉ giữa các kỳ học hoặc lễ tết để tăng cường làm thêm. “Tết cổ truyền ở Việt Nam thường vào dịp thu hoạch nho ở nhiều bang tại Úc nên nhiều người không về nước mà ở lại làm kiếm thêm thu nhập trang trải sinh hoạt phí học kỳ kế tiếp”, chị Thảo kể.“Ban đầu mới sang, đứng trước khoảng không mênh mông mà con người lại thưa thớt, tôi rất nhớ cái không gian ồn ào chật chội tại Sài Gòn. Nhưng rồi quyết tâm học hành và tìm việc làm nghiêm túc, chỉ một tháng tôi đã bị cuốn vào guồng máy học tập và làm thêm của một du học sinh nơi xứ người”, anh Hưng tâm sự.
Theo Tiin