Du lịch, khám phá các miền đất mới để thêm mở mang tầm mắt là hành trình không thể thiếu với du học sinh. Nếu bạn chọn du học Châu Âu thì còn được hưởng một lợi thế lớn đó là có cơ hội xin visa Schengen rồi từ đó tự do du lịch tất cả các nước thuộc khối này. Vậy sử dụng visa Schengen như thế nào và đâu là những lưu ý cần thiết khi du lịch các nước thuộc khối Schengen với visa du học sinh mà bạn đang có?
1. Những ai được miễn visa trong khối Schengen?
Khối Schengen gồm 26 nước Châu Âu, gồm Ba Lan, Cộng hòa Séc, Hungary, Slovakia, Slovenia, Estonia, Latvia, Litva, Malta, Iceland, Na Uy, Thụy Điển, Phần Lan, Đan Mạch, Hà Lan, Bỉ, Luxembourg, Pháp, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Đức, Áo, Ý, Hy Lạp, Thụy Sĩ, Liechtenstein. Khối này hoàn toàn khác với Liên minh Châu Âu EU.
Luật pháp khối Schengen quy định nếu bạn là công dân nước ngoài và sở hữu visa của 1 trong 9 nước Pháp, Đức, Luxembourg, Bỉ, Hà Lan và Ý, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha thì có quyền tự do đi lại trong toàn bộ khu vực Schengen. Đây là lợi thế vô cùng lớn cho du học sinh quốc tế bởi một khi đã có visa du học do các nước trên cung cấp, bạn hoàn toàn có thể du lịch vòng quanh khối Schengen mà không cần phải xin visa nhập cảnh các quốc gia còn lại với thời hạn lưu trú tối đa là 90 ngày.
Để phòng trường hợp bất trắc, khi đi du lịch, bạn nên đem theo hộ chiếu gốc cùng thẻ sinh viên nhằm đủ điều kiện chứng minh danh tính nếu chẳng may bị cảnh sát hay nhân viên hải quan “hỏi thăm”.
2. Du học sinh không thuộc khối Schengen du lịch Châu Âu ra sao?
Mọi chuyện sẽ phức tạp hơn nếu bạn không du học tại các quốc gia nằm trong khối Schengen. Bạn sẽ được yêu cầu xin visa Schengen rồi từ đó mới được tự do du lịch trong các nước thuộc khối này. Luật này áp dụng cho du học sinh Anh và Ireland bởi hai quốc gia trên không thuộc khối Schengen và không kí hiệp định tự do đi lại trong khối Schengen.
Du học sinh phải sống ở quốc gia mình đang du học ít nhất 1 tháng trước khi nộp đơn xin visa Schengen và chỉ có thể làm đơn xin visa khi vẫn đang theo học ở đất nước đó. Để xin visa Schengen, bạn cần chuẩn bị những tài liệu sau:
- Đơn xin visa.
- Hộ chiếu có đóng dấu cho phép cư trú.
- 2 ảnh theo kích cỡ ảnh hộ chiếu (yêu cầu chi tiết phụ thuộc vào quy định của Đại sứ quán từng nước).
- Giấy công nhận bạn là sinh viên toàn thời gian của một cơ sở giáo dục (đại học, cao đẳng…). Giấy này phải là bản gốc, có chữ kí và đóng dấu và ngày cấp không quá 1 tháng so với thời điểm nộp đơn xin visa. Một số Đại sứ quán/ Lãnh sự quán yêu cầu giấy chứng nhận từ trường của bạn phải ghi rõ cho phép sinh viên du lịch trong một khoảng thời gian nhất định.
- Sao kê ngân hàng (thường là trong 3 tháng gần nhất) chứng minh bạn đủ khả năng tài chính để du lịch.
- Bản hành trình du lịch, bao gồm vé khứ hồi và bằng chứng đặt chỗ ở.
- Bảo hiểm du lịch cho những ngày trên hành trình du lịch.
- Phí xin visa (phụ thuộc vào từng Đại sứ quán).
3. Các lưu ý khi xin visa du lịch trong khối Schengen
Nếu chỉ du lịch 1 quốc gia thuộc khối Schengen, du học sinh không thuộc khối Schengen phải nộp đơn xin visa tại đại sứ quán nước đó trên lãnh thổ đất nước bạn đang theo học.
Nếu du lịch nhiều nước thuộc khối Schengen, bạn có thể nộp đơn xin visa Schengen vào quốc gia bạn chọn là điểm đến chính và dành nhiều thời gian trong hành trình của mình ở nơi đó nhất.
Nếu có dự định du lịch nhiều nước thuộc khối Schengen mà không có điểm đến chính, bạn cần nộp đơn xin visa ở Đại sứ quán quốc gia đầu tiên mà bạn ghé thăm. Để xin visa thành công, bạn nên nộp hành trình du lịch, nêu rõ bạn sẽ đi những nước nào, thời gian đến và lưu trú cũng như phương tiện di chuyển vào nước đó.
Du học sinh không nên đi du lịch trong kì học. Trong trường hợp bạn có ý định nhập cảnh vào các nước Schengen khi đang học tại các Anh, Ireland hoặc các quốc gia ngoài khối này, bạn phải được sự cho phép của nhà trường (được cấp dưới hình thức đơn) và cần trao đổi với người điều phối chương trình trước khi quyết định xin visa Schengen.
Xin visa Schengen có thể mất tới 4 tuần, do vậy du học sinh cần có kế hoạch du lịch chi tiết, lựa thời điểm nộp đơn xin visa phù hợp, tránh mất thời gian chờ đợi – điều có thể ảnh hưởng tới hành trình của bạn.