Cầm tấm vé thông hành du học trời Tây, chắc chắn nhiều bạn trẻ mơ mộng về cuộc sống văn minh, hiện đại cùng khung cảnh tuyết trắng vương trên những cây thông reo. Tuy nhiên, hãy tỉnh mộng đi, các du học sinh đang sắp bước vào một trải nghiệm cần nhiều nghị lực và quyết tâm cao đấy.
Lầm tưởng số 1: Đi du học rồi làm thêm vẫn đủ tiền trang trải mọi chi phí
Nhiều bạn du học sinh luôn nuôi hy vọng giấc mơ hồng du học khi nghĩ rằng vừa học vừa có thể kiếm tiền, thậm chí kiếm dư ra gửi về cho gia đình. Đây là tâm lí chung vì đa số các bạn cho rằng tiền nước ngoài có giá trị lớn thế kia, chỉ cần kiếm việc làm thêm thì có thể trang trải mọi chi phí.
Nhưng cuộc sống không như mơ, xin việc làm thêm ở nước ngoài không hề đơn giản như bạn tưởng. Lúc mới sang, ngôn ngữ bản địa chưa thông thạo, lại phải mất vài ba tháng đầu để làm quen với cuộc sống, với văn hóa của nước bạn. Rồi làm thêm quá nhiều khiến các bạn chểnh mảng, lên lớp hay mệt mỏi, uể oải, ngủ trong lớp thậm chí còn nghỉ học, chưa kể ở một số nước vấn đề lao động nhập cư được kiểm soát chặt chẽ, rất khó xin được giấy tờ để làm việc hợp pháp.
Chính vì vậy, các bạn cần tìm hiểu thật kỹ về những quy định về làm thêm tại đất nước du học cũng như cân đối giữa việc học và đi làm, dù gì, mục tiêu lớn nhất khi du học chính là tiếp thu kiến thức cho mình đúng không nào.
Lầm tưởng số 2: Đi du học đồng nghĩa với hoàn toàn được tự do làm điều mình thích
Rời vòng tay của bố me, đặt chân đến một phương trời mới, chắc chắn, bạn sẽ vô cùng háo hức vì giờ đây mình có thể thoải mái, không phải chịu sự kiểm soát hay giờ giới nghiêm như lúc ở Việt Nam. Nghe thì có vẻ thú vị nhưng thực tế dù mạnh mẽ hay tự lập đến đâu, du học sinh sẽ cảm thấy cô đơn những khi mệt mỏi hay bị bệnh mà chẳng ai chăm sóc.
Du học không phải là chyến du lịch dài ngày, bạn phải chủ động làm "hướng dẫn viên" cho chính mình ở nơi xa lạ, tự mình giải quyết vô vàn vấn đề về ăn ở, đi lại, giao tiếp, liên lạc, thời tiết, sức khỏe... bên cạnh việc học hành, thi cử, vui chơi.
Do đó, khi đã đặt quyết tâm du học, bạn cần chuẩn bị cho mình tâm thế tự lập và đặt cho mình những nguyên tắc riêng để tự quản lý bản thân mình, tránh những cám dỗ cũng như vui chơi quá đà nhé.
Lầm tưởng số 3: Có Ielts thì làm sao không giao tiếp được cơ chứ
Nhiều du học sinh vẫn nghĩ việc có được tấm bằng tiếng Anh trong tay là đã đủ khả năng theo học ở nước ngoài rồi. Thực ra, điều này hoàn toàn sai vì ngoại ngữ đời sống không hề giống như ngoại ngữ hàn lâm mà bạn học đâu. Mỗi vùng miền sẽ có sử dụng những chất giọng riêng, cứ nhấn trọng âm cũng từ đó khác nhau, khiến không ít du học sinh dù IELTS cao nhưng vẫn như “vịt nghe sấm” suốt một thời gian dài.
Đó là chưa kể, ngôi trường bạn học không chỉ có những sinh viên bản xứ và còn có những du học sinh từ khắp nơi trên thế giới. Mỗi nơi lại có một cách phát âm và chất giọng riêng, mà môi trường học tập quốc tế rất đề cao vấn đề làm việc nhóm, nếu bạn không chịu khó trau dồi thì sẽ rất khó hòa nhập, từ đó, việc học cũng dần đi xuống.
Tuy nhiên, đừng quá lo lắng, đa số du học sinh chỉ bỡ ngỡ thời gian đầu, hãy cởi mở, tham gia các câu lạc bộ cũng như các hoạt động ngoại khóa. Đừng chỉ kết bạn với những du học sinh đồng hương mà hãy làm quen với tất cả mọi người, “trình” giao tiếp chắc chắn sẽ được cải thiện ngay thôi.
Lầm tưởng số 4 : Chỉ cần cởi mở là có thể dễ dàng hòa nhập vào môi trường mới
Trước khi du học, một số sinh viên vô cùng tự tin vì đã tham gia trại hè hay giao lưu quốc tế, tâm lý chung các bạn sẽ nghĩ mình đã giao tiếp dạn dĩ với người nước ngoài, chỉ cần cởi mở hơn, nói chuyện nhiều hơn thì chẳng mấy chốc sẽ nhanh chóng hòa nhập với môi trường mới.Điều này không sai nhưng chỉ đúng một phần. Thực ra, không phải người nước ngoài nào cũng có tư duy cởi mở, thân thiện và quan tâm chúng ta. Cũng chính vì không chuẩn bị kỹ tâm lý trước khi đi nên vừa sang, nhiều du học sinh đã rơi vào tình trạng shock văn hóa, shock ngôn ngữ nặng. Đối với những bạn sống khép kín, việc mở lòng với người khác để kết bạn, tìm hiểu văn hóa bản địa thực sự là một điều rất khó khăn. Nhưng cũng đừng quá lo lắng, du học sinh hãy tìm hiểu thật kỹ văn hóa bản địa, tham gia các hoạt động thể thao hay ngoại khóa. Bởi đây không chỉ là cơ hội khiến bạn thể hiện được sự thân thiện, hòa đồng mà còn là hàng trang kỹ năng bạn nên trang bị trong quãng thời gian du học đó.
Lầm tưởng số 5: Cảm sốt thì cứ ra tiệm mua thuốc như ở Việt Nam
Nếu ở Việt Nam, bạn vẫn còn thói quen cứ cảm, sốt hay đau bụng chỉ cần ra tiệm thuốc nói triệu chứng, dược sĩ sẽ bán thuốc cho bạn thì hãy mau mau từ bỏ ngay thói quen ấy. Đa số các quốc gia rất khắt khe trong việc bán thuốc, bạn buộc phải có toa thuốc của bác sĩ chỉ định liều lượng nhất định cũng như cách dùng thì mới được bán thuốc với mức giá khá cao nếu không có bảo hiểm.
Do đó, trước khi đăng ký du học, sinh viên phải tham gia bảo hiểm y tế và yêu cầu đơn vị này cấp cho bạn một lá thư xác nhận rằng bạn đang tham gia bảo hiểm. Tầm quan trọng của bảo hiểm y tế đối với sinh viên du học là rất lớn bởi phí thăm khám bác sĩ, phí thuốc thang, phí điều trị sẽ khiến du học sinh phải chi trả kha khá tiền, nhất là khi bạn là sinh viên, thì hầu như không thể chi trả nổi.
Suốt thời gian du học, dù có khỏe mạnh đến đâu thì cũng sẽ có ít nhất đôi lần bị ốm. Rất nhiều du học sinh đã bị mùa Đông đầu tiên đánh gục vì không được trang bị đủ đồ ấm hay giày bốt không thấm nước. Du học sinh Âu châu vẫn hay kháo nhau nên ăn pho-mát và bơ sữa để giữ ấm vào mùa lạnh, chưa kể sữa còn giúp làm mềm mại những vùng da khô. Ngoài ra, bạn cũng nên mang theo một số thuốc thông thường như thuốc nhỏ mắt, thuốc ho cảm, thuốc đau bụng… nhớ là check xem thuốc nào được đem nhé. Tuy nhiên, khi gặp những triệu chứng lạ, đừng ngần ngại gọi cấp cứu hoặc nhập viện ngay, đừng chủ quan vì sức khỏe là vô cùng quan trọng phải không nào.
Lầm tưởng số 6: Cứ có mác “Du học sinh” thì lương ít nhất cũng ngàn đô
Bạn có biết, theo thông tin từ Tổng cục thống kê, hiện tại có hơn 64.000 du học sinh Việt Nam tại nước ngoài. Với một con số lớn như vậy, việc tất cả mọi người quay trở về ai cũng sở hữu công việc tốt và lương tháng ngàn đô là điều không thể.
Trên thực tế, lợi thế của sinh viên du học không hẳn nằm ở tiếng Anh hay bằng cấp nước ngoài như cách đây 20 năm, mà nằm ở những trải nghiệm thực tế về văn hóa, về network quốc tế, về cập nhật xu hướng thế giới, đây mới chính là điểm nổi trội của các bạn do với sinh viên trong nước. Tuy nhiên, cho dù thế nào đi chăng nữa, năng lực và thái độ mới là yếu tố quan trọng nhất để tuyển dụng, nếu bạn không phù hợp với vị trí công việc, không chịu thích nghi, hòa hợp và cứ giữ khư khư tư tưởng du học sinh nước ngoài phải lương tháng ngàn đô, e rằng, sẽ chẳng nơi nào muốn tuyển bạn.
Hãy đem những lợi thế của mình, cùng tinh thần học hỏi, cầu thị đến buổi tuyển dụng, bạn sẽ được “offer” một mức lương xứng đáng với năng lực và trình độ của mình. Sẽ thật tuyệt, nếu du học sinh học tập tại nước ngoài quay về xây dựng quê hương đúng không nào!
Có thể thấy cuộc sống du học không hề màu hồng, nhưng nó cũng không phải là một màu đen ảm đạm, bên ngoài kia còn rất nhiều điều khám phá, hãy mở lòng, sẻ chia nhiều hơn bạn nhé. Một tâm lý thật vững vàng, một trái tim nghị lực cùng suy nghĩ tích cực và tinh thần ham học hỏi thì cơ hội thành công trong tương lai sẽ hoàn toàn trong tầm tay đấy.