Kinh nghiệm : Du học ở đâu thì phù hợp?

Xác định rõ nhu cầu khi đi du học là yếu tố quan trọng để các bạn trẻ chọn được địa điểm học tập hợp lý, phù hợp với mục tiêu bản thân theo đuổi.

Kinh nghiệm : Du học ở đâu thì phù hợp?

Kinh nghiệm du học - Du học ở đâu thì phù hợp?Đa phần các bạn trẻ thường lúng túng khi tìm địa điểm du học và gặp khó khăn trong việc lựa chọn nơi nào phù hợp nhất với bản thân trong những năm tháng xa nhà. Tuy nhiên, đây sẽ không còn là trở ngại nếu bạn đã xác định được nhu cầu và mục tiêu mình cần đạt suốt quá trình học tập.Để giải bài toán “Du học ở đâu thì phù hợp?”, Trang Tuyển Sinh xin liệt kê một số quốc gia nổi tiếng về chất lượng giáo dục học tập cũng như đặc điểm về chi phí, học bổng, việc làm và định cư của từng nơi để các bạn trẻ tiện tham khảo và đối chiếu với nhu cầu bản thân và khả năng tài chính của gia đìnhXem thêm :Du học Canada dễ hay khó?

Anh Quốc

Theo đánh giá của tổ chức giáo dục Pearson, nền giáo dục nước Anh đứng hạng 6 thế giới. Bản thân quốc gia này cũng có những ngôi trường danh giá với tuổi đời cao, chất lượng hàng đầu mà ai cũng “nằm lòng” như Đại học Cambridge, Đại học Oxford, Đại học London, Đại học Hoàng gia London, Đại học Edinburgh, Đại học Manchester,… Du học Anh dành cho những cá nhân đặt chất lượng giáo dục lên hàng đầu và có điều kiện kinh tế.

Chi phí

Anh nằm trong top những đất nước có chi phí sinh hoạt, học tập đắt nhất thế giới.
  • Sinh hoạt phí: £12,056 đến £15,180/năm

  • Học phí: từ £10,000 đến £35,000, phụ thuộc vào chương trình và từng đại học

Học bổng

Do chi phí đắt nên du học sinh thường “đổ xô” săn học bổng đi Anh, khiến tỉ lệ cạnh tranh rất cao. Tuy vậy, điều đó đồng nghĩa với nhiều trường học, tổ chức đặt ra nhiều loại học bổng hơn nhằm thu hút sinh viên quốc tế.

Các loại học bổng tham khảo:

  • Học bổng chính phủ: British Chevening Scholarships, Commonwealth Shared Scholarship Scheme at UK Universities, Marshall Scholarships.

  • Học bổng phi chính phủ: CastleSmart Scholarship

  • Học bổng từ các trường đại học: có khoảng 17 học bổng đến từ một số trường nổi bật, chi tiết: https://www.topuniversities.com/student-info/scholarship-advice/scholarships-study-uk

Cơ hội làm việc & định cư

Trong thời gian học, nếu trường mình nằm trong danh sách cho phép của chính quyền, du học sinh sẽ được làm việc làm việc 20h/tuần và không giới hạn thời gian trong kì nghỉ.

Tuy nhiên, nếu tìm kiếm cơ hội làm việc và định cư thì xin chia buồn, nước Anh không dành cho bạn. Từ năm 2015, nước này đã thắt chặt hoạt động tìm việc của sinh viên khi kết thúc chương trình học. Cụ thể, nếu không tìm được việc trong vòng 3 tháng sau tốt nghiệp, sinh viên sẽ phải rời khỏi lãnh thổ Anh.

Mỹ

Mỹ đứng thứ 13 trong xếp hạng Pearson về cường quốc giáo dục và đây là địa điểm học tập đáng mơ ước cho sinh viên toàn cầu do sở hữu hệ thống đại học, cao đẳng chất lượng và đa dạng, phù hợp nhu cầu học tập, tìm việc của mỗi cá nhân.
Mỹ sở hữu trên 4 nghìn đại học, cao đẳng công lập và tư thục, trong đó có những trường hàng đầu thế giới như Massachusetts Institute of Technology, Stanford University, Harvard University, Yale University,… Tuy nhiên, đến với quốc gia này, bạn phải chấp nhận chi phí vật giá cao cùng nhiều thủ tục nhập học và xin visa phức tạp.

Chi phí

  • Sinh hoạt phí: $8,000 đến $12,000/năm
  • Học phí: $5,000 and $50,000/năm, tùy từng trường và chương trình học
  • Nhìn chung, Mỹ là quốc gia có chi phí sinh hoạt cao so với mặt bằng Bắc Mỹ và thế giới.

Học bổng

Một số học bổng nổi tiếng của Mỹ là Fullbright, U.S. Scholar Program,… Ngoài ra, còn có loại học bổng trao đổi, giao lưu văn hóa với thời hạn 1 năm.
Du học sinh cũng có thể tìm kiếm học bổng từ các trường đại học.

Tham khảo: https://studyusa.com/en/a/536/scholarships-for-international-students-planning-to-study-in-the-usa

Cơ hội việc làm & định cư

Trong thời gian học, sinh viên ở Mỹ được làm thêm 20h/tuần. Theo luật, du học sinh có visa diện F-1 được quyền xin Optional Practical Training (OPT) và ở lại 1 năm làm việc. Hết hạn, nếu không được công ty tài trợ, bạn sẽ phải về nước. Tuy nhiên, đầu ra công việc và định cư cho sinh viên quốc tế ngày càng bị thắt chặt ở đất nước này.

Canada

Canada đứng hạng 7 trong nhóm các quốc gia có nền giáo dục hàng đầu. Được đánh giá là vùng đất có nhiều chính sách thân thiện với sinh viên quốc tế, nước này là một trong những địa điểm du học được lựa chọn nhiều nhất.

Những trường nổi nhất Canada là: McGil University, University of Toronto, University of British Columbia,…

Chi phí

Nhìn chung, chi phí sinh sống và học tập ở Canada rẻ hơn nhiều so với Mỹ.

  • Sinh hoạt phí: 10,000 đến 15,000 CAD/năm (tương đương 8,100 đến 11,864 USD)

  • Học phí: trung bình 25,180 CAD/năm (tương đương 20,450 USD), phụ thuộc vào trường và chương trình học

Học bổng

Do học phí không quá đắt nên Canada không cấp (hoặc cấp rất ít) học bổng cho sinh viên quốc tế.

Cơ hội việc làm & định cư

Trong thời gian học, sinh viên ở Canada được làm thêm 20h/tuần và không giới hạn thời gian khi trường bước vào kỳ nghỉ.
Đặc biệt, nước này có nhiều tỉnh bang đang “khát” nhân lực nên cơ hội làm việc và định cư cao.
Cụ thể, khi học xong, du học sinh được quyền xin giấy phép làm việc (work permit) và ở lại lao động từ 1 đến 3 năm (phụ thuộc vào độ dài của chương trình học mình từng tham gia). Trong thời gian làm việc, bạn có thể xin thường trú dài hạn theo diện Chỉ định Tỉnh bang (Provincal nominees program) với điều kiện được địa phương mình đang sinh sống đề cử và đáp ứng được các yêu cầu giấy tờ cần thiết.
Nhưng nếu làm việc tại Quebec, du học sinh có thể ở lại dựa vào Kinh nghiệm Quebec (Québec experience program) khi tốt nghiệp 1 cơ sở giáo dục được chính quyền tỉnh công nhận trong vòng 36 tháng.

Ireland

Đây là lựa chọn mới cho những ai có nhu cầu du học. Ireland xếp thứ 9 trong nhóm quốc gia có nền giáo dục tốt nhất thế giới, có chi phí sinh hoạt “mềm” so với các nước Châu Âu khác và sở hữu nhiều đại học danh giá như Trinity College Dublin, University College Dublin, University College Cork,…

Chi phí

  • Sinh hoạt phí: €7,000 đến €12,000/năm
  • Học phí: €9,000 – €45,000/năm, tùy thuộc vào trường và chương trình học

Học bổng

Theo Hội đồng sinh viên Quốc tế Ireland, một số đại học và viện công nghệ ở nước này cung cấp lượng học bổng hạn chế cho sinh viên nước ngoài. Thông thường, bạn chỉ có thể xin học bổng khi đã được nhận vào một trường cụ thể.

Cơ hội việc làm & định cư

Sinh viên có thể kéo dài thời gian cư trú ở Ireland theo chương trình Ba bậc sau tốt nghiệp (Third Level Graduate Scheme). Nếu có bằng Cử nhân phổ thông (General Bachelor degree) tương ứng với bậc 7, bạn có 6 tháng tìm việc ở nước này. Nếu đạt bậc từ 8 đến 10 (tương ứng với bằng Higher diploma, Postgraduate diploma và Master degree), thời gian thường trú lên tới 1 năm.
Để tìm cơ hội định cư, bạn có thể lấy giấy phép làm việc phổ thông (General Employment Permit) hoặc giấy phép lao động cho tay nghề quan trọng (Critical Skills Employment Permit) trong thời gian ở lại theo pháp luật.

Úc

Quốc gia này đứng hạng 15 trong những nền giáo dục tốt nhất thế giới. Theo thống kê, Úc có 43 đại học và vô số cao đẳng sở hữu nhiều bậc học phù học với lựa chọn của sinh viên. Điểm sáng của giáo dục Úc là nhóm G8 – tập hợp các 8 đại học uy tín nhất nước này.

Chi phí

Nhìn chung, sinh sống tại Úc khá tốn kém. Đây cũng được mệnh danh là quốc gia đắt đỏ hàng đầu của thế giới.
  • Sinh hoạt phí: từ 19,830 AUD trở lên trong 1 năm

  • Học phí: từ 29,930 AUD/năm, tùy thuộc vào từng trường & chương trình học

Học bổng

Sinh viên Việt nhận được khá nhiều ưu đãi của Úc về giáo dục. Có 2 loại học bổng chính phủ lớn là Học bổng chính phủ Úc (Australia Awards Scholarships and Fellowships) và Học bổng Endeavour (Endeavour Scholarships and Fellowhips).
Ngoài ra, cơ hội học bổng cho bạn cũng mở rộng nếu chọn các ngành - Công nghệ thông tin – viễn thông kinh tế, điều dưỡng, nhà hàng khách sạn và du lịch ,y tế, hàng không, giáo dục (giáo viên mầm non, giáo viên giáo dục đặc biệt), luật, cơ khí.

Cơ hội việc làm & định cư

Giống nhiều quốc gia khác, sinh viên quốc tế được làm thêm 20h/tuần và không giới hạn thời gian trong thời gian học.
Khả năng ở lại Úc sau tốt nghiệp khá cao với sinh viên Việt. Hoàn thành chương trình học, du học sinh có thể xin visa Subclass 485 (visa tốt nghiệp tạm thời) để thường trú tại Úc trong 18 tháng. Nếu hoàn thành chương trình sau đại học, thời gian sẽ tăng lên từ 2 đến 4 năm.
Trong thời gian làm việc, các bạn có thể tìm đường định cư bằng cách xin visa Subclass 189 (diện tay nghề cao không bảo lãnh), visa Subclass 190 (diện tay nghề cao được đề cử bởi bang và vùng lãnh thổ),visa Subclass 887 (visa tay nghề cao dành cho vùng lãnh thổ đang cần nhân lực).

Singapore

Đại diện châu Á này đứng hạng 3 – cao nhất trong danh sách những quốc gia có nền giáo dục tiên tiến nhất thế giới. Singapore có 16 trường đại học, cao đẳng cùng nhiều cơ sở giáo dục liên kết với các quốc gia khác. Những trường nổi tiếng nhất là: National University of Singapore, Nanyang Technological University, Singapore University of Technology and Design,…
Nếu chọn du học Singapore, bạn cần chuẩn bị tư tưởng đối mặt với nhiều luật lệ nghiêm khắc cũng như mức giá cao so với mặt bằng chung châu Á.

Chi phí

Singapore có mức sống thuộc hàng đắt nhất châu Á.
  • Sinh hoạt phí: từ 750 đến 2,000 SGD/tháng
  • Học phí: từ 24,000 SGD 40,000 SGD/năm

Học bổng

Sinh viên quốc tế có thể tham khảo những loại học bổng sau:
  • Học bổng của Bộ giáo dục: Bộ giáo dục Singapore cấp học phí cho du học sinh theo học các đại học, bách khoa kỹ thuật (polytechnic) với điều kiện sinh viên phải ở lại làm việc cho nước này trong vòng 3 năm sau tốt nghiệp.
  • Học bổng từ các trường: thường không quá 1,500 SGD/năm.

Cơ hội việc làm & định cư

Đa phần sinh viên không được làm thêm ở Singapore, trừ những trường hợp theo học tại các cơ sở thuộc danh sách dưới đây: http://www.mom.gov.sg/passes-and-permits/work-pass-exemption-for-foreign-students
Tuy nhiên, dù có đi làm, du học sinh cũng chỉ được phép lao động 16 tiếng/tuần và bắt buộc phải có Thẻ sinh viên.
Khi tốt nghiệp, du học sinh có thể xin Thẻ tạm trú dài hạn (long term social visit pass) và được ở lại Singapore 12 tháng để tìm việc. Chỉ khi được công ty đề nghị việc làm, bạn mới có thể xin Giấy phép làm việc (work permit). Cấp độ của loại giấy phép này phụ thuộc vào mức lương của bạn. Thông thường sinh viên mới ra trường sẽ được giấy hạng “S Pass”. Nếu thu nhập đạt trên 3,300 SGD/tháng, bạn có thể lên hạng “Employment Pass”.