Làm gì khi “bỗng dưng… chán học”?

Không phải lúc nào chuyện học nơi xứ người cũng suôn sẻ, thậm chí nó còn khiến ta chán nản, muốn buông xuôi. Những lúc như vậy, thật “cần lắm” những liệu pháp xốc lại tinh thần để sinh viên có thể quay lại với ưu tiên hàng đầu là việc học.

Du học đồng nghĩa với việc bạn phải đối mặt với muôn vàn áp lực, từ việc bắt kịp việc học trên lớp, không thua bạn kém bè cho đến giải quyết những “bài toán” chi tiêu. Và chắc hẳn trước những khó khăn chồng chất, không ít người đã nghĩ đến chuyện buông xuôi việc học nơi xứ người.

Xem thêm :Để du học không trở thành ác mộng

Làm gì khi “bỗng dưng… chán học”?

Tuy nhiên, đừng vội vàng bỏ cuộc! Chỉ cần một chút khéo xoay xở cũng như vài bí quyết tiếp thêm động lực, mọi chuyện rồi sẽ ổn ngay thôi.

Đặt mục tiêu thực tế

Đa phần tâm lý chán nản sinh ra từ việc sinh viên chưa xác định được mục tiêu cụ thể, thấy “chới với” trước tương lai và không biết con đường mình đi sẽ dẫn tới đâu. Bạn không cần đặt mục tiêu quá xa vời rồi lúng túng khi chất chồng công việc. Hãy liệt kê ra những việc phải làm trước mắt, chia nhỏ chúng rồi thực hiện từng bước một.

Nên lập hạn chót cho từng công việc để bản thân luôn trong trạng thái phải hoạt động. Mỗi mục tiêu nhỏ được thực hiện là ta lại có thêm động lực để hoàn thành những kế hoạch lớn hơn rồi!

Tự điều khiển việc học

Chưa đạt được kết quả mong muốn trong học tập và thấy nản lòng? Bạn nên xem lại cách tiếp cận việc học của bản thân từ trước đến nay đã hiệu quả hay chưa, từ đó có sự thay đổi lộ trình phù hợp.

Điều quan trọng là không nên tìm cớ biện minh cho kết quả học tập của mình. Hãy viết những lý do ảnh hưởng tới việc học của bạn như mệt mỏi, trường quá xa nhà, quá bận làm thêm,… rồi tìm cách khắc phục từng nhược điểm một. Ví dụ:

Nếu bạn mệt mỏi, hãy dành ra một vài ngày nghỉ ngơi, thậm chí là đi cắm trại, du lịch để “xốc” lại tinh thần rồi chú tâm vào học tập.

Nếu quá bận vì làm thêm, hãy xem xét đến chuyện nói chuyện với quản lý để rút ngắn thời gian làm hoặc xin nghỉ. Xét cho cùng, việc học của bạn vẫn là quan trọng nhất. Một khi đã ổn định hơn, bạn có thể quay lại làm việc sau.

Ngoài ra, bạn nên kiểm tra lại thời khoá biểu và sắp xếp lại thời gian học của bản thân cho hợp lý.

Tự thưởng chính mình

Đi du học và bắt kịp nhịp sống ở nước ngoài chứng tỏ bạn đủ dũng cảm và vô cùng cố gắng rồi! Đừng bạc đãi bản thân, hãy tự thưởng cho mình những món quà nhỏ sau những giờ học, làm căng thẳng. Hãy đặt mục tiêu, chẳng hạn: “Nếu được điểm...., tôi sẽ tự thưởng cho mình….” và lấy đó làm động lực học tập.

Phần thưởng, dù ít hay nhiều cũng khiến tinh thần bạn phấn chấn hơn, qua đó sẵn sàng chinh phục những mục tiêu sau này.

Biết nghỉ ngơi đúng lúc

Nếu cảm thấy mệt, đừng cố gắng quá sức vì bạn càng cố, công việc càng không hiệu quả. Hãy có những giấc ngủ xen kẽ trong vòng 10 – 15 phút. Một số nghiên cứu cho thấy giấc ngủ trưa ngắn sẽ giúp bạn tỉnh táo hơn. Cố gắng dứt mình khỏi guồng quay học tập và đi chơi, thậm chí là du lịch ngắn ngày để “nạp năng lương”, thư giãn đầu óc để quay lại làm việc thêm hiệu quả.

Tập thể dục

Thể dục thể thao xua tan chán học? Chuyện khó tin nhưng lại là sự thật. Các nhà khoa học cho rằng rèn luyện thể lực có khả năng nâng cao sáng tạo, giảm mức độ căng thẳng và giúp đầu óc bạn tỉnh táo, suy nghĩ thấu đáo hơn. Thể dục thể thao còn giúp cơ thể bớt chây ì, trì trệ - những yếu tố khiến cảm giác chán nản, muốn buông xuôi ngày một cao.

Bạn không cần đến phòng gym hay tập luyện quá sức. Mỗi ngày dành ra từ 8 đến 10 phút để học theo các bài tập trên mạng hoặc chạy bộ quãng ngắn là đủ để thân thể và tinh thần thoải mái hơn rồi.

Bạn không thể bỏ qua :Làm gì để "chống shock" khi đi du học