Biện pháp phòng tránh nạn cyberbully khi đi du học

Cyberbully hay bắt nạt qua mạng là hình thức giày vò tinh thần khủng khiếp với nạn nhân. Hoạt động này không những phải được ngăn chặn triệt để mà mỗi người cũng cần có ý thức tự bảo vệ mình.

Biện pháp phòng tránh nạn cyberbully khi đi du học

Thế nào là cyberbully?

Công nghệ phát triển đôi khi dẫn đến nảy sinh nhiều mặt tiêu cực, trong đó có cyberbully – hay còn gọi là nạn bắt nạt qua mạng. Các đối tượng bắt nạt thường chia sẻ ảnh nhạy cảm, thông tin cá nhân, viết các bình luận lăng mạ ác ý hay lan truyền tin đồn sai sự thật về nạn nhân trên các diễn đàn, mạng xã hội, vv… - nơi tập trung các đám đông sẵn sàng trêu chọc, buông lời tiêu cực mà không quan tâm đến hậu quả với người bị hại. Điều này khiến tinh thần người bị bắt nạt bị khủng hoảng nghiêm trọng và đôi khi họ còn bị chấn động nặng nề hơn là bị hành hạ về mặt thể chất thông thường.

Bất kỳ ai cũng có thể là nạn nhân của nạn bắt nạt qua mạng, tuy nhiên du học sinh lại là đối tượng dễ bị tấn công nhất do một bộ phận người bản xứ còn có thái độ kỳ thị chủng tộc với sinh viên quốc tế. Các bạn lại một thân một mình nơi đất khách quê người, thiếu sự hỗ trợ của gia đình và người thân nên thuộc nhóm dễ chịu tổn thương. Nếu không có ý thức bảo vệ bản thân và được hỗ trợ kịp thời, chắc chắn tinh thần người bị hại sẽ bị ảnh hưởng nặng nề, thậm chí là có những hành động dại dột khi lâm vào bế tắc.

Tránh cyberbully như thế nào?

Rất khó để chấm dứt nạn cyberbully bởi điều này phụ thuộc vào ý thức của mỗi cá nhân trong việc lan truyền và phát tán các thông tin ác ý. Tuy nhiên, các du học sinh hoàn toàn có thể học cách bảo vệ bản thân và biết cách xử lý tình huống khi không may trở thành trung tâm của nạn bắt nạt qua mạng.

· Đưa tất cả về chế độ riêng tư

Không nên đưa quá nhiều thông tin cá nhân trên mạng xã hội bởi đôi khi chúng vô tình trở thành công cụ để những kẻ ác ý tấn công bạn. Chỉ nên chia sẻ suy nghĩ, ảnh, thậm chí là cả các mối quan hệ tình cảm với những người thực sự thân thiết và đáng tin, hoặc không, hãy để chúng ở chế độ riêng tư.

· Tăng bảo mật cho các ứng dụng

Nên đặt tất cả các ứng dụng, website, điện thoại, máy tính… bạn hiện sử dụng ở chế độ bảo mật cao (ví dụ hiện nay Facebook cho phép kích hoạt chế độ bảo mật 2 lớp). Không công bố password, mã PIN, passcode… rộng rãi hoặc để tài sản riêng tư như điện thoại, máy tính ở nơi công cộng để kẻ xấu không có cơ hội thậm nhập và ăn cắp thông tin của bạn.

· Giữ những điều riêng tư cho bản thân

Bạn liệu có ngờ rằng đôi khi một bức ảnh ghi lại kỷ niệm trong chuyến du lịch biển lại trở thành vũ khí tấn công bạn? Ảnh, thông tin có tính chất khiêu khích đều có thể bị sử dụng sai mục đích khi chia sẻ trên mạng hay thậm chí chỉ cho bạn bè thân quen biết xem. Tốt nhất là hạn chế công bố những nội dung trên.

· Đừng ngại tố cáo

Nếu không may trở thành nạn nhân của cyberbully, đừng cố gắng chịu đựng một mình. Hãy liên lạc với giáo sư, trung tâm hỗ trợ sinh viên của trường nhờ trợ giúp. Đừng ngại tâm sự với bạn bè, người thân bởi họ sẽ là những người bênh vực, an ủi bạn trong thời điểm khó khăn.

· Không đọc bình luận trên mạng

Những thông tin ác ý trên mạng chính là thứ khiến nạn nhân tổn thương nhiều nhất và không phải ai cũng đủ mạnh mẽ để đương đầu với hàng loạt chỉ trích của đám đông. Cách tốt nhất là tránh xa mạng xã hội, các diễn đàn online. Đừng mất công đôi co với những kẻ tấn công bạn. Hãy “thẳng tay” chặn người nhắn tin với mục đích làm phiền.

Thay lời kết

Theo thống kê của Graduate School of Education at the University of Buffalo, 22% sinh viên tiết lộ họ đã từng là nạn nhân của cyberbully và tỉ lệ người cho biết từng chứng kiến hành động này lên tới 38%, chứng tỏ bắt nạt qua mạng là vấn nạn vô cùng nghiêm trọng.

Để không trở thành nạn nhân của hành động xấu xí này, trước tiên cần nhớ đối xử với người khác theo cách bạn muốn nhận được, qua đó ghi nhớ các “bí kíp” bảo vệ bản thân và đừng ngại tố cáo khi có người bị bắt nạt hay chính bản thân là nạn nhân của bắt nạt.