Du học được coi là ước mơ và khát vọng của bao bạn trẻ. Tuy nhiên, nếu không có ý chí, sự chủ động và tâm thế sẵn sàng, những mộng tưởng tốt đẹp ban đầu về miền đất mới có thể trở thành “cơn ác mộng”.
Du học là dịp để các bạn trẻ mở mang kiến thức, tiếp thu nền giáo dục, môi trường sống tân tiến cũng như rèn luyện để bản thân ngày một trưởng thành hơn. Nó là cơ hội không phải ai cũng có và được các học sinh, sinh viên nhiệt tình nắm bắt. Thế nhưng, không ít người coi đây là cơn ác mộng không hồi kết, cảm thấy buồn bã, bế tắc và chán nản khi học tập ở xứ người. Nhiều bạn thậm chí còn phải về nước, khiến việc học vừa không hiệu quả lại tốn kém cho gia đình.
Vậy nguyên nhân của những “cơn ác mộng” này là gì và làm sao để tránh?Đi học theo ý nguyện gia đình
Không phải bạn trẻ nào cũng thích đi du học và cố gắng hết sức để biến ước mơ thành hiện thực. Nhiều phụ huynh chỉ vì muốn con được hưởng thụ nền giáo dục tân tiến của nước ngoài, có tương lai rộng mở hơn, qua đó kiên quyết cho con em du học mà không tìm hiểu xem liệu con mình có thực sự muốn điều này hay đã sẵn sàng về tâm lý, trình độ, khả năng thích nghi,… với cuộc sống mới hay chưa.
Ngoài ra, một số gia đình cũng sai lầm trong việc chưa quan tâm đến sở thích, thế mạnh của con mà chỉ chú trọng vào tìm trường nào tốt, ngành nào có đầu ra rộng, hứa hẹn mức lương cao, vv…
Không được chủ động trong việc du học, phải học trường không thích, học ngành không yêu hay thậm chí vượt quá năng lực bản thân là một trong những lý do phổ biến khiến các bạn trẻ hoang mang, chán nản, khó có được điểm số tốt và khiến những năm tháng còn lại ở xứ người như… địa ngục.
Phân tán tư tưởng dẫn đến sợ học
Việc học ở nước ngoài chắc chắn không hề dễ dàng, tuy nhiên nó còn có thể tệ hơn nếu bạn trở nên sợ học.
Nguyên nhân của việc này không chỉ đến từ việc du học sinh năng lực yếu hay không bắt kịp chương trình học mà còn do các bạn bị phân tán tư tưởng bởi các yếu tố ngoại cảnh. Một số sinh viên rơi vào hoàn cảnh quá chú trọng tới việc làm thêm kiếm tiền trang trải sinh hoạt phí nên không còn thời gian cho việc học. Cũng có trường hợp du học sinh nhà có điều kiện thì lại mải chơi, lơ là lên lớp.
Không hiểu bài, ngại và sợ học lại càng khiến các bạn khó bắt kịp với nhịp độ học tập của trường lớp nên hẳn nhiên là kết quả điểm số sẽ không cao. Do vậy cần xác định đâu là ưu tiên số 1 khi đi du học, qua đó có sự cân bằng, điều chỉnh giữa học – làm – chơi.
Quá khép kín
Không phải ai cũng là người hướng ngoại, cởi mở trong giao tiếp và các hoạt động cộng đồng. Tuy nhiên, nếu quá khép kín thì sẽ là cản trở lớn cho du học sinh trong môi trường ngoại quốc.
Có thể chỉ ra ngay một số nhược điểm như sống khép kín, không giao tiếp, tạo dựng mối quan hệ thì làm sao có bạn? Không chịu khó ra ngoài và học hỏi thì làm sao biết được cái hay, nét đẹp ở nơi mình đến hay có kinh nghiệm đối phó với những vấn đề phát sinh trong cuộc sống? Không chỉ làm các du học sinh cô đơn, chán nản và ngày càng thu mình lại, lối sống này còn khiến các bạn đánh mất nhiều cơ hội quý giá cho bản thân.
Các bạn cần xác định du học chính là mở lòng ra để đón nhận bạn bè mới, trải nghiệm mới, qua đó đủ cứng cáp và vững vàng để đối đầu với những thử thách trong học tập và sinh hoạt.